Thị trấn Hồ đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

18/03/2019 08:26 Số lượt xem: 1371
Thời gian qua, thị trấn Hồ (Thuận Thành) đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự.

 Hằng năm, Ủy ban MTTQ thị trấn phối hợp với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, giữ vững các tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, tập trung vận động nhân dân tham gia thực hiện bằng những việc làm cụ thể như: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ; tham gia các chương trình từ thiện nhân đạo và an sinh xã hội; đóng góp ngày công lao động và tiền đề xây dựng thiết chế văn hóa; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá; giữ gìn vệ sinh môi trường; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; trồng cây xanh quanh nhà và nơi công cộng;... Hình thức tuyên truyền đa dạng, trên hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các hội nghị của thôn, khu phố, các đoàn thể chính trị - xã hội, băng rôn, khẩu hiệu;... Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Đời sống người dân được nâng cao, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Hồ đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, thiết chế văn hoá được quan tâm. Hiện nay, 7/10 thôn, khu phố có nhà văn hóa; khu di tích tâm linh đình, chùa được trùng tu, tôn tạo, xây dựng khang trang, trong đó Đình làng Lạc Thổ và Đình làng Đông Côi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Thị trấn chú trọng khôi phục, giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống thông qua các hoạt động lễ hội hằng năm. Các thôn, khu phố tổ chức lễ hội với phần lễ trang trọng, đúng các nghi thức truyền thống, phần hội vui tươi, lành mạnh với các trò chơi dân gian và các tiết mục văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của nhân dân. Để làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, các thôn, khu phố thành lập và duy trì sinh hoạt đều đặn các đội văn nghệ với nòng cốt là hội viên Chi Hội Phụ nữ, Chi Hội Cựu Chiến binh, Chi Đoàn Thanh niên. Vào mỗi dịp Lễ, Tết, hội làng các đội văn nghệ tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh với các đội bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, thể dục dưỡng sinh,... Hằng năm, Đoàn Thanh niên thị trấn phối hợp tổ chức các giải thi đấu thể thao cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ đi vào nền nếp, giảm gọn về hình thức và thời gian tổ chức. Đối với việc cưới, thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều hủ tục như: thách cưới, đón dâu hai lần không còn. Trong việc tang, các thôn, khu phố thành lập Ban tang lễ giúp các gia đình tổ chức lễ tang, nhiều hủ tục được xóa bỏ, các gia đình tổ chức ăn uống đơn giản trong họ hàng thân thiết, không làm cơm mời khách. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về điện táng, hỏa táng người qua đời ngày càng chuyển biến, năm 2018 đạt tỷ lệ hơn 80%. Việc mừng thọ được các Chi hội Người cao tuổi tổ chức tập trung tại Nhà văn hóa, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, ý nghĩa, đảm bảo tiết kiệm, văn minh.
Hằng năm, các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, thu hút hơn 90% số hộ gia đình tham gia. Thông qua Ngày hội, góp phần củng cố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức chất lượng hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đây cũng là dịp để nhân dân gặp mặt, gắn kết tình nghĩa xóm làng, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cộng đồng. Tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” được khơi dậy và phát huy. Những năm qua, nhân dân thị trấn đóng góp hàng trăm triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn Quỹ, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua sắm vật tư sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm còn 1,64%.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực của thị trấn Hồ từng bước đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu. Năm 2018, thị trấn có 92,8% số hộ đạt “Gia đình văn hóa”, trong đó hơn 80% số hộ đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liền; 9/10 thôn, khu phố đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa”.

Mai Phương