Thay đổi thói quen ăn uống để phòng, chống bệnh không lây nhiễm

29/06/2020 20:58 Số lượt xem: 1635
Những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng đang trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình, xã hội. Theo ước tính, cứ 10 ca tử vong tại Việt Nam thì có tới gần 8 ca do các bệnh không lây nhiễm.

Điều đáng nói, trên thực tế số người mắc các bệnh không lây nhiễm chưa được phát hiện và quản lý điều trị được cho là lớn hơn nhiều lần số đang được quản lý tại các cơ sở y tế. Người ta đã chỉ ra mối liên hệ giữa thói quen ăn uống và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, do đó, điều chỉnh, kiểm soát thực phẩm vào cơ thể là một trong những yếu tố quan trọng để giảm gánh nặng do các bệnh này mang lại.

Quản lý bệnh tăng huyết áp tại cơ sở y tế để phòng ngừa kịp thời những biến chứng do bệnh gây ra.
 

Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2017, năm 2015 bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 15 triệu trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Chế độ ăn không hợp lý là nguyên nhân của hơn 19% tổng số ca tử vong toàn cầu năm 2017 và gần 70% các ca tử vong do bệnh động mạch vành. Các nước đang phát triển, bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi đang nỗ lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như AIDS, bệnh lao và sốt rét thì đồng thời các quốc gia này lại phải đối mặt với sự gia tăng ở mức báo động của bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, bệnh tâm thần và đái tháo đường.
Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hoá, môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có những thay đổi bất hợp lý. Thực tế cũng cho thấy bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi hơn, gây ra những gánh nặng kinh tế lâu dài cho xã hội. Thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng bao gồm thừa cân, béo phì là một trong các yếu tố, nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm.
Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác... Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2015, hơn 1/2 người trưởng thành ăn thiếu rau hoặc trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của WHO. Đó là lý do vì sao, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh được ngành Y tế coi là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khoẻ người dân.
Những năm qua, với mục tiêu chăm sóc tốt sức khoẻ cho nhân dân ngay từ nơi khám chữa bệnh ban đầu, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố. Đến hết năm 2017, đã có 126/126 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Chuyên môn, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị của y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Đến nay, 126/126 xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, số người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe trên phần mềm đạt trên 85% dân số. Đã có 100% trạm y tế triển khai quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường với tổng số bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý tại trạm y tế lên tới hơn 41,5 nghìn người trong khi số bệnh nhân đái tháo đường được quản lý tại trạm y tế là hơn 17,7 nghìn người.
Trước đây việc điều trị, quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường chỉ được thực hiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó mở rộng đến các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện (nay là Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố), vài năm trở lại đây bắt đầu triển khai tại các trạm y tế. Tính đến tháng 5-2020, toàn tỉnh có 120/126 trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai điều trị tăng huyết áp tại trạm, đạt tỷ lệ 95,2% với hơn 11,2 nghìn bệnh nhân. Việc nối dài “cánh tay” quản lý và điều trị tăng huyết áp tới tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế các xã, phường, thị trấn từng bước cho thấy hiệu quả giảm tải y tế tuyến trên, đồng thời người bệnh (phần lớn là người cao tuổi) tiết kiệm được thời gian và khoảng cách di chuyển khi thăm khám và lĩnh thuốc mỗi tháng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số người có thể mắc các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn rất lớn, là “tảng băng chìm” cần được chú ý hơn nữa. Nguyên nhân của thực trạng này là công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm hiện nay vẫn tập trung nhiều vào điều trị ca bệnh, chưa có nhiều đầu tư cho hoạt động dự phòng yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm để quản lý bệnh nhân tại cộng đồng. Một bộ phận người dân chưa có hiểu biết về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm, do đó quá trình thực hành dinh dưỡng bữa ăn hằng ngày còn hạn chế. Nếu giải quyết được các vấn đề này, chắc chắn công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Việt Hoa