Thắp lên ngọn lửa đam mê

21/06/2018 08:20 Số lượt xem: 1714
Nghề báo cũng có nhiều gian truân, vất vả, những người làm báo luôn đối mặt với nhiều thử thách, dành nhiều tâm huyết để có được những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin của người nghe, người xem. Vất vả nhưng cũng rất vinh quang, hạnh phúc khi những thông tin hữu ích, tươi mới luôn được khán, thính, độc giả đón chờ, cấp trên, đồng nghiệp ghi nhận.

Nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) chúng tôi trò chuyện với một số phóng viên, nghe họ trải lòng và cũng là dịp giúp độc giả hiểu hơn về nghề báo.

Niềm đam mê sáng tác

Nếu nói nghề báo là vất vả, thì người làm báo hình lại vất vả nhất. Báo hình không những đòi hỏi sự tác nghiệp phải nhanh chóng, kịp thời mà người phóng viên phải gắn bó với cơ sở, thậm chí thời gian ở cơ sở nhiều hơn ở cơ quan, ở nhà. Vất vả là thế nhưng hơn 18 năm gắn bó với nghề, nữ nhà báo Trần Phương Hoa (bút danh Phương Hoa, Phòng Thời sự, Đài PT-TH Bắc Ninh) vẫn luôn giữ ngọn lửa đam mê với nghề.

Để có tác phẩm truyền hình chất lượng được lên sóng là cả một sự nỗ lực của cả ê kíp, gồm: Phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật dựng hình, truyền dẫn phát sóng, bộ phận thẩm định… nên ai nấy đều phải nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Tuy nhiên với Phương Hoa lại không chỉ có vậy. Ngoài nhiệm vụ của người phóng viên đi cơ sở lấy tin bài, chị còn đảm nhận vai trò biên tập viên của chương trình thời sự. Khối lượng công việc gấp đôi, đồng nghĩa với thời gian dành cho gia đình, cho bản thân cũng ít đi. Khó khăn là thế nhưng ngọn lửa đam mê với nghề lúc nào cũng bùng cháy.

Nghề báo đến với chị như một “cái duyên”, song lựa chọn và gắn bó với mảng đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông dân lại như “cái nghiệp”. Vốn gắn bó với đồng quê từ nhỏ nên hơn ai hết chị luôn thấu hiểu những gian truân, cực nhọc của người nông dân. Thế nên đề tài về nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn được chị ưu ái dành nhiều thời gian, công sức để khai thác và thể hiện một cách sâu sắc, sinh động và hấp dẫn người xem. Hầu hết những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp chị đều tìm đến sớm nhất để kịp thời đưa đến khán giả. Nhiều tác phẩm viết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của chị được trao giải tại các cuộc thi báo chí trong tỉnh như: “Xuất khẩu lá tía tô - Hướng đi mới cho nông sản Việt Nam”; Nông nghiệp Bắc Ninh vươn ra thế giới;  “Đình Tổ học Bác tiết kiệm”…

Đề tài hay luôn bắt nguồn từ cơ sở

Nhiều năm công tác tại Phòng Bạn đọc-Tư liệu (Báo Bắc Ninh) nên nhà báo Ngô Văn Phong (bút danh Văn Phong) có điều kiện gắn bó, gần gũi với cơ sở, người dân. Đây cũng là thuận lợi để anh có điều kiện đi sâu khai thác các đề tài “nóng”  được dư luận quan tâm.

Với nhà báo Văn Phong, những tác phẩm hay thường bắt nguồn từ cơ sở vì thế nhiều năm qua, anh cùng nhiều đồng nghiệp luôn gắn bó, bám sát cơ sở, lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhiều bài viết của nhà báo Văn Phong được ghi nhận và đánh giá cao bởi mang đậm hơi thở cuộc sống. Theo anh để có tác phẩm chất lượng đăng tải thực sự là cả quá trình vất vả, từ việc chọn đề tài, khai thác, lựa chọn tư liệu rồi cách thể hiện đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán cụ thể nhằm đưa đến cho độc giả những thông tin hữu ích nhất.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, nhà báo Văn Phong gặt hái được khá nhiều giải cao tại các cuộc thi báo chí của Trung ương cũng như địa phương. Riêng trong năm 2018, anh cùng với nhóm tác giả có loạt bài “Nhân tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới" đoạt giải B ở thể loại Báo điện tử (không có giải A) trong cuộc thi viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức; giải Nhất trong cuộc thi "Bắc Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới" và đoạt giải Nhất giải báo chí Ngô Gia Tự; giải Nhất trong cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về những kinh nghiệm, nhà báo Ngô Văn Phong cho rằng, muốn có tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cơ quan báo chí phải đặc biệt quan tâm và có kế hoạch cụ thể”. Với mỗi nhà báo cần phải trải nghiệm, đi sâu, bám nắm cơ sở, phát hiện những vấn đề mới, mang hơi thở cuộc sống từ đó chọn phương pháp thể hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời các phóng viên, nhóm phóng viên có tác phẩm chất lượng cao.

Phóng viên Phương Hoa phỏng vấn cử tri tại điểm bầu cử Quốc hội và HĐND 2016.

 

Giúp độc giả cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp văn hoá Bắc Ninh

Gắn bó với mảng văn hóa nhiều năm, phóng viên Trần Thảo (Bút danh Thuận Cẩm, Phòng Phóng viên Văn hóa-Xã hội, Báo Bắc Ninh) có dịp được đi nhiều nơi, tham dự nhiều sự kiện, chương trình văn hóa, lễ hội trong và ngoài tỉnh. Hơn 10 năm tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa, chị có khá nhiều bài báo chuyên sâu về Di sản văn hóa Quan họ. Đặc biệt, khi tỉnh có chủ trương tổ chức chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ Quan họ trên thuyền, chị chủ động tham mưu với lãnh đạo phòng và phối hợp tích cực với các phóng viên trong nhóm để tuyên truyền, quảng bá về sự kiện này trên Báo Bắc Ninh. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa thuộc lĩnh vực theo dõi nên chị luôn sâu sát, chú ý tuyên truyền đúng định hướng, đồng thời chịu khó tìm hiểu, lắng nghe, nắm bắt ý kiến dư luận xã hội, góp phần cung cấp thông tin để các cơ quan chuyên môn có căn cứ điều chỉnh, tổ chức chương trình đạt hiệu quả và thành công, tạo sức lan toả trong dư luận xã hội. Nhiều bài viết của phóng viên Trần Thảo đăng trên Báo Bắc Ninh về sự kiện này được độc giải ghi nhận, đánh giá cao như: “Ứng xử lịch lãm với Quan họ”, “Bâng khuâng câu giã bạn”, “Đêm mai… Tứ hải giao tình”, “Giữa tối hôm Rằm… say câu Quan họ”, “Diễn xướng Quan họ mừng Ngày Thống nhất”…

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Trần Thảo cho rằng: “Trong quá trình làm nghề, cần đầu tư thời gian, tìm tòi và suy ngẫm kỹ lưỡng để lựa chọn thể loại báo chí và cách thức chuyển tải thông tin phù hợp, hiệu quả nhất. Phần lớn tác phẩm của tôi đều tập trung vào nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa nói chung, văn hóa Bắc Ninh nói riêng, giúp độc giả cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị và vẻ đẹp văn hoá, văn hiến của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc. Trong quá trình công tác, ngoài việc chú trọng, bám sát cơ sở, ngành theo dõi, lắng nghe ý kiến nhân dân, độc giả để phát hiện đề tài mới và có những tác phẩm báo chí chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, tôi thường dành thời gian đọc sách, chịu khó học hỏi đồng nghiệp, không ngừng học tập và cập nhật kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại”.

Phóng viên Trần Thảo đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi báo chí. Nhân dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. 

Lê Đại - Đức Quý