Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

24/05/2022 20:07 Số lượt xem: 3166

Sáng 24-5, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3. Trong ngày làm việc thứ 2, Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về: Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia phiên thảo luận ở Tổ 12, chiều ngày 24-5.


Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần quán triệt một số quan điểm, định hướng cơ bản: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành. Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội; chú ý đến khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc “không giao quá nhiều dự án cho một cơ quan”; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết hoặc là dự án triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra trong Đề án Định hướng.
Qua thảo luận, đa số ĐBQH đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đánh giá tình hình thực hiện Chương trình năm 2021 và các tháng đầu năm 2022; đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tiến độ chuẩn bị, trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật, chấp hành nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện thành công Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sau khi điều chỉnh và Chương trình năm 2023.
Chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Thảo luận tại Tổ 12, các ĐBQH thuộc các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng và Kiên Giang thống nhất cao về chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để tạo đòn bẩy giúp Khánh Hòa phát huy tốt nội lực cho phát triển. Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: Tại khoản 2, Điều 32 Dự thảo Nghị quyết quy định nâng mức trần vay lên 60% sẽ góp phần để Khánh Hòa huy động nguồn lực cần thiết đáp ứng nhu cầu đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần tính toán bảo đảm khả năng hấp thụ nguồn vốn cũng như khả năng trả nợ của ngân sách địa phương, đồng thời phù hợp với tổng mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định hằng năm và không làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác (Nghệ An, Thừa Thiên Huế chỉ được hưởng mức 40%).
Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng cần có các cơ chế chính sách phát triển tỉnh Khánh Hòa bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương khác, gắn liền với việc bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia và phát triển kinh tế bền vững.

Vân Giang