Thảo luận tại Tổ 13: Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

25/05/2023 15:29 Số lượt xem: 1313
Sáng ngày 25-5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành thảo luận tại Tổ 13, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đăk Lăk, Hậu Giang.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành thảo luận tại Tổ 13.

 

Các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung:  Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đồng tình với Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, nhưng các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, nhất là khắc phục hạn chế, khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2023 bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ Quý IV-2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới giải pháp nhằm tháo gỡ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; đảm bảo việc làm cho người lao động; Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…

Đại biểu cũng đưa ra những nhận định, phân tích cụ thể đối với vấn đề về an ninh nguồn nước hiện nay; nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, đại biểu đề nghị cần có chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Các đại biểu bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Vân Giang