Thảo luận ở Tổ về 2 dự thảo Nghị quyết

31/05/2023 09:18 Số lượt xem: 1438
Chiều ngày 30-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành thảo luận tại Tổ 13

 

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh chủ trì thảo thuận tại Tổ 13, 0gồm các đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang. Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự thảo luận cùng Tổ 13.  

Đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Các đại biểu cũng cho ý kiến vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến cho rằng, số lượng chính sách Chính phủ đề xuất trong dự thảo tương đối nhiều. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, xem xét đề xuất các chính sách có tính trọng tâm, có tính tháo gỡ, đột phá cao, tránh dàn trải; các chính sách phải bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, mang lại tác động rõ rệt hơn. Cần quan tâm khai thác giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua các chính sách về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) nhận được sự đồng thuận của đại đa số đại biểu Quốc hội. Các ĐBQH cho rằng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia thảo luận tại Tổ 13, chiều 30-5.

 

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính khả thi như: Cách xác định số lượng đại biểu để xác định các trường hợp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; cân nhắc tính khả thi của trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm khi có 20% tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị bằng văn bản; các trường hợp phiếu hợp lệ, không hợp lệ; tạo điều kiện cho người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tự xin từ chức nếu có số phiếu tín nhiệm thấp; đối tượng lấy phiếu tín nhiệm…

 Có ý kiến cho rằng, Điều 8 dự thảo Nghị quyết quy định về các hành vi bị cấm, đề nghị bổ sung cấm hành vi tác động đến thân nhân của các đại biểu dân cử; lợi dụng khiếu nại, tố cáo để cung cấp thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Một số ý kiến đề nghị xem lại quy định về đối tượng lấy phiếu cho đúng quy định của Hiến pháp, bởi quy định như hiện tại còn thiếu một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn như Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Ban của HĐND, Hội thẩm Tòa án nhân dân…

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Cho rằng việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Tuy nhiên, đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm tính chặt chẽ.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để "tự soi", "tự sửa". Vì vậy, đề nghị thiết kế quy định tại khoản 2 Điều 12 của dự thảo theo hướng, trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế cho cán bộ có thể chủ động xin từ chức, trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mới trình Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Vân Giang