Thanh toán không dùng tiền mặt, xu thế phát triển hiện đại

16/07/2021 21:04 Số lượt xem: 2055
Trong vài năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là cụm từ được nhắc đến nhiều và cũng là mục tiêu mà các ngân hàng hướng tới khi triển khai các sản phẩm dịch vụ theo hướng số hoá.

Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng ngân hàng điện tử, ngân hàng số, các loại thẻ ngân hàng phát triển nhanh chóng. Dịch COVID-19 bùng phát như “chất xúc tác” đẩy nhanh sự phát triển của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại. Người tiêu dùng vừa duy trì được hoạt động giao dịch tài chính, mua sắm mọi lúc, mọi nơi, vừa có thể hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người và tiền, hạn chế rủi ro. Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt đạt được “mục tiêu kép”, không những gia tăng cạnh tranh cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn góp phần phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Từ các loại thẻ từ, đến nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã phát triển hàng loạt ứng dụng số trên điện thoại thông minh… giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, đồng thời mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Ở góc độ quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt với các điều kiện như phải mở tài khoản ngân hàng, cài đặt ứng dụng công nghệ để thực hiện các hình thức thanh toán góp phần minh bạch hóa thông tin về dòng tiền, thu nhập tính thuế, doanh số bán hàng…  
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. Cùng với đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng là yếu tố khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Không chỉ là các trang web bán hàng trên không gian mạng, thương mại điện tử còn là sự kết nối dịch vụ thanh toán ngân hàng với hệ thống thương mại, dịch vụ. Rõ ràng, đây là phương thức hợp xu thế phát triển, các chủ thể tham gia quá trình này cùng tận dụng cơ hội mang lại nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, việc thanh toán “online” cũng đang đối mặt với những hệ lụy từ hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, nhất là ở các vùng nông thôn hay nhóm người cao tuổi, thu nhập thấp thiếu thiết bị truyền thông số và khả năng truy cập mạng, ít kiến thức và kỹ năng sử dụng các dịch vụ tài chính số. Cùng với đó là các vấn đề về mức độ bảo mật của thanh toán di động, nguy cơ thông tin cá nhân và tài sản bị xâm phạm… Thực tế không ít trường hợp mất cảnh giác, chưa hiểu rõ các phương thức thanh toán qua ứng dụng công nghệ nên đã bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản. Vì thế, trong quá trình tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán hiện đại, người tiêu dùng cần lưu ý việc bảo mật thông tin cá nhân, để việc thanh toán không dùng tiền mặt thực sự thiết thực, hiệu quả, trở thành thói quen giao dịch minh bạch và an toàn, văn minh.

Dương Hoàn