Thắm tình đồng đội

24/06/2019 16:11 Số lượt xem: 3232
Trở về cuộc sống đời thường sau hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đại tá, thương binh, Cựu chiến binh (CCB) Phạm Ngọc Sơn, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào của địa phương và làm nhiều việc nghĩa tình vì đồng đội.

 

Ông Phạm Ngọc Sơn ôn lại những kỷ niệm về đồng đội.

 
“Đưa đồng đội về với đất mẹ”
Năm 1960, chàng thanh niên Phạm Ngọc Sơn lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Dấu chân người lính trẻ cùng đồng đội in khắp các chiến trường từ  Quảng Trị- Thừa Thiên Huế rồi theo đội quân tình nguyện tới Nam Lào, Cam-pu- chia… với bao chiến tích góp phần vào chiến thắng của quân đội ta. Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, gương mặt người CCB vẫn giữ nguyên vẻ cương nghị nhưng nặng nét trầm tư: “Từng tham gia chiến đấu và chỉ huy tại các chiến trường khốc liệt, nhưng với tôi chiến tranh biên giới phía Bắc để lại nhiều dấu ấn nhất. Sư đoàn 347 của chúng tôi đảm nhiệm khu vực phòng thủ 2 huyện Tràng Định và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến mốc 21, tỉnh Cao Bằng. Chiến tranh kết thúc có 473 đồng đội anh dũng hy sinh, trong đó có hơn 200 liệt sỹ là con em của tỉnh Bắc Ninh và 6 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt…”.
Nói đến đây giọng ông ứ lại và tôi hiểu những cảm xúc trào dâng bởi tình đồng chí, đồng đội một thời vào sinh ra tử trong ông lại trỗi dậy. Hơn 40 năm công tác trong quân đội, trở về đời thường, trong lòng người CCB luôn đau đáu tâm niệm phải làm điều gì đó có ích cho thân nhân gia đình đồng đội của mình và cả những đồng chí đã ngã xuống. Trong số gần 500 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 347 đã hy sinh còn 6 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, trong đó có 3 liệt sỹ là người con của Bắc Ninh, ông lại kết nối thân nhân của các gia đình liệt sỹ ấy và phối hợp với Bộ Tư lệnh QK 1, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn xác định được 6 liệt sỹ là trinh sát Trung đoàn 751 hy sinh năm 1984, hài cốt của các anh vẫn còn nằm ở huyện Long Châu, tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc). Với sự kiên trì, quyết tâm cao, đầu năm 2018 ông Sơn cùng các gia đình đưa hài cốt của 6 liệt sỹ về quê hương. Chứng kiến cảnh những thân nhân của các liệt sỹ vỡ òa xúc động khi nhận được hài cốt của các anh, niềm hạnh phúc lớn lao ấy càng khiến ông như được tiếp thêm lửa để làm nhiều việc có ý nghĩa hơn.
Ông Sơn tâm sự: “Tình cảm của những người lính từng “chia lửa” trong chiến tranh thật thiêng liêng, sâu nặng, như một mệnh lệnh thôi thúc tôi phải làm việc gì đó để ấm lòng những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, mong muốn sưởi ấm hương hồn đồng đội, làm vơi bớt nỗi đau mất mát của thân nhân các liệt sỹ”.
Với ông, Học tập, làm theo tấm gương của Bác Hồ là công việc suốt đời, khi đã xác định được rõ phương châm hành động cho bản thân nó sẽ như sợi chỉ xuyên suốt, định hình để cho mình luôn gương mẫu đi đầu, sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính; sẵn sàng làm những việc đem lại lợi ích cho tập thể, nhân dân, coi đó là những lợi ích cốt lõi nhất…”.
“Góp viên gạch hồng vì đồng đội”
Về với cuộc sống đời thường, nhờ bản thân được tôi luyện trong môi trường quân đội, bản lĩnh nói được làm được nên ông được nhiều người yêu kính. Ngay sau ngày về nghỉ chế độ, ông thành lập Ban liên lạc CCB Sư đoàn 347 do ông làm Trưởng ban. Hằng năm mỗi lần trở lại thăm chiến trường xưa, Ban liên lạc, các hội nghĩa tình đồng đội sư đoàn 347 muốn thắp nén hương cho đồng đội nhưng chưa có đài hương, chưa có nhà bia tưởng niệm, ý định xây dựng một nhà bia tưởng niệm các Anh Hùng liệt sỹ nhen nhóm trong ông. Năm 2017, Ban liên lạc CCB sư đoàn 347 tiến hành làm tờ trình báo cáo Bộ Tư lệnh QK 1. Sau khi được Bộ Tư lệnh đồng tình ủng hộ và Bộ Quốc phòng chấp thuận cho phép Ban liên lạc CCB sư đoàn 347  sử dụng 360 m2   đất quốc phòng của QK 1 tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) xây dựng nhà bia tượng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Chủ trương đã được chấp thuận, nhưng vấn đề tài chính lại là nỗi lo lớn nhất, bởi kinh phí theo thiết kế ban đầu gần 1,8 tỷ đồng. Số tiền vượt khả năng của Ban liên lạc, sau nhiều lần suy tính ông Sơn quyết định huy động vốn xã hội hóa từ các địa phương có con em liệt sỹ và những đồng chí, đồng đội một thời là bộ đội của Sư đoàn…
Ông Sơn chia sẻ: “Gần 1 năm quyên góp và xây dựng, công trình đài tượng niệm các Anh hùng liệt sỹ Sư đoàn 347 hoàn thành với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng, được khánh thành đúng vào ngày 27-7-2018. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu sắc, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân thành kính, trách nhiệm cao cả của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với gần 500 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 347 anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc”.
Với những đồng đội còn sống, ông Sơn luôn động viên mọi người sát cánh bên nhau, cùng phát triển kinh tế gia đình. Được biết, nhiều đồng đội bị thất lạc giấy chứng nhận thương tật, ông trở về Sư đoàn  tìm lại giấy tờ gốc. Nhờ những nỗ lực đó, các đồng đội của ông được công nhận và hưởng chế độ thương, bệnh binh. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân khu phố thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tấm gương CCB tiêu biểu
Với trách nhiệm là báo cáo viên của Hội Cựu chiến binh tỉnh, hàng năm vào ngày thành lập Quân đội nhân dân 22-12 và ngày giải phóng miền Nam 30-4 ông tới các trường THPT, THCS và Tiểu học trong tỉnh nói chuyện truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng-trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng đất nước. Mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu về chiến tranh, hiểu về ý chí chiến đấu, sự kiên cường của cha anh, từ đó giúp các cháu trân trọng giá trị của hòa bình và đem sức trẻ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về CCB Phạm Ngọc Sơn, đồng chí Lê Quang Hanh, Chủ tịch Hội CCB phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Là hội viên Hội CCB của phường, nhiều năm qua, CCB Phạm Ngọc Sơn không chỉ là một hội viên gương mẫu, tiêu biểu, bản thân rất tích cực trong hoạt động giáo dục truyền thống, nói chuyện về những tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn tỉnh và có nhiều việc làm nghĩa cử cao đẹp vì đồng đội. Những việc làm của ông được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao và tặng nhiều phần thưởng cao quý”.
Năm nay bước sang tuổi 75 nhưng Đại tá, CCB Phạm Ngọc Sơn vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, những việc làm nghĩa tình vì đồng đội. Với ông, ngày nào còn sống, ngày đó còn cống hiến. Bởi ông tâm niệm, mình còn sống đã là may mắn, nên phải sống sao cho không hổ với những người đồng đội đã hy sinh, sống sao cho sự hy sinh đó không phải là vô nghĩa. Điều tâm huyết nhất ông muốn gửi tới các thế hệ cháu con là: “Cần giữ gìn lòng nhiệt huyết, phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Ghi chép của Hà Linh