Thăm chùa Bà Đanh, ngôi cổ tự trứ danh đất Hà Nam

22/01/2020 10:44 Số lượt xem: 3966
Tự bao giờ, dân gian đã truyền tụng câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” để chỉ sự vắng vẻ, đìu hiu, ít người qua lại… Vậy chùa Bà Đanh ở đâu và từ đâu có tích lạ để dần trở thành câu thành ngữ quen thuộc, được truyền miệng trong dân gian? Một ngày cuối năm 2019, tôi may mắn được viếng thăm ngôi cổ tự trứ danh này tại đất Hà Nam.

Bên trong chùa Bà Đanh.

 

Chùa Bà Đanh còn gọi là Bảo Sơn tự, thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, cách Phủ Lý, thành phố tỉnh lỵ Hà Nam khoảng 7 cây số. Xa xưa, chùa có tên là chùa Bà làng Đanh, tức làng Đanh Xá, về sau nhân dân quen miệng gọi là chùa Bà Đanh. Chùa Bà Đanh có diện tích khoảng 10 héc ta với 40 gian, được xem là một trong những ngôi cổ tự đẹp và cổ kính bậc nhất tỉnh Hà Nam. Chùa nằm ở vị trí đắc địa, sơn thủy hữu tình 3 mặt giáp sông Đáy, con sông thơ mộng đã đi vào thơ lẫn nhạc, nổi tiếng nhất là ca khúc “Dòng sông Đáy quê em” của Nhạc sĩ Đoàn Bổng với những dòng đầy mê đắm: 
Dòng sông Đáy quê em/Sông trăng hay sông lụa/Nong kén vàng như lúa/Tròn vạnh một góc trời…
Thời điểm chúng tôi viếng thăm chùa là một chiều cuối đông trong cái rét thấu xương, vẻ không gian u tịch vốn có như càng trở nên thâm nghiêm, trầm mặc vì tịnh không thấy bóng dáng du khách viếng thăm. Câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn nguyên giá trị?
Có thể thấy, chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo, tinh tế và hết sức đẹp mắt, điển hình của kiến trúc cổ xưa với những chi tiết chạm khắc tinh xảo. Ở đây, ngoài thờ phật còn thờ Thái thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tứ pháp trong tín ngưỡng dân gian (từ pháp bao gồm Pháp Vân - mẹ mây, Pháp Lôi - mẹ sét, Pháp Vũ - mẹ mưa và Pháp Điện - mẹ chớp). Tương truyền, vào thế kỷ thứ VII, chùa Bà Đanh chỉ là ngôi đền nhỏ thờ Tứ pháp. Thời ấy, người dân Kim Bảng tin rằng ở vùng Thuận Thành xứ Kinh Bắc vì thờ Tứ pháp nên quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu bởi vậy đã họp nhau sang xứ Kinh Bắc xin chân nhang và về tạc tượng Tứ pháp để thờ. Sau này tục thờ Tứ pháp lan rộng đến nhiều làng quê ven sông Đáy thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay. Với những chiều sâu giá trị lịch sử và văn hóa, năm 1994, chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 

 

Vẻ thâm nghiêm cổ kính của chùa Bà Đanh.


Nhưng tại sao chùa Bà Đanh, ngôi cổ tự thâm nghiêm, cổ kính và linh thiêng ấy đến nay vẫn vắng vẻ, đìu hiu như vậy? Có nhiều giả thiết chứng minh, chẳng hạn theo truyền thuyết địa phương, vì chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, đem lại mùa màng bội thu nên ai cũng sợ, không dám bất kính vì sợ bị trừng phạt nặng nề. Vì nỗi sợ ấy mà ngày càng ít người dám đến thờ cúng vì sợ lỡ lời thành vạ việng? Cũng có giả thiết cho rằng, chùa Bà Đanh vắng khách vì chùa nằm ở vị trí u tịch, xa khu dân cư, ba mặt giáp sông, trước đây xung quanh là rừng rậm nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa vắng. Giả thiết này nhận được sự đồng thuận cao của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân gian.
Tận mục sở thị lại trò chuyện thêm với dân bản địa thì được biết, chùa Bà Đanh vẫn rất vắng vẻ dù hiện nay đường sá đi lại khá thuận lợi, nhất là từ khi có cây cầu treo Quế Sơn nối đôi bờ sông Đáy. Nhưng chính sự vắng vẻ lại càng làm tăng thêm vẻ rêu phong, thâm nghiêm và trầm mặc của ngôi cổ tự Bà Đanh. Một người bạn làm truyền thông ở tỉnh Hà Nam cho hay, tới đây trên bản đồ du lịch, chùa Bà Đanh với đền Trúc, núi Cấm và quần thể khu sinh thái tâm linh Tam Chúc (thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng)… sẽ hợp thành một tour du lịch non nước hữu tình hấp dẫn du khách gần xa khi đến với tỉnh Hà Nam.
Xuân Canh Tý 2020 đang đến gần, còn chần chừ gì mà không đặt cho mình một kế hoạch viếng thăm, tận hưởng vẻ thanh tịnh, yên bình và cổ kính của chùa Bà Đanh, ngôi cổ tự trứ danh bậc nhất nước Nam tại tỉnh Hà Nam. Biết đâu trong tương lai không xa, đây sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, gợi trí tò mò của đông đảo du khách và dẫn đến quá tải như nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác? Khi ấy, đến thăm chùa Bà Đanh, rất có thể du khách không còn được cái cảm giác đến với ngôi chùa cổ tích như lần chúng tôi may mắn viếng thăm…

 

Thanh Tú