Tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa ngay từ đầu vụ

10/08/2018 08:03 Số lượt xem: 1632
Hết tháng 7, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 33.000 ha lúa mùa, đạt 97,6% diện tích kế hoạch. Hiện nay, ngành Nông nghiệp&PTNT đang chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa ngay từ đầu vụ, tạo điều kiện cho các trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Nông dân xã Cách Bi, Quế Võ chăm sóc lúa mùa ngay từ đầu vụ.



Cách Bi là một trong những xã cấy xong diện tích lúa mùa sớm của huyện Quế Võ. Những ngày này, trên khắp các xứ đồng, bà con nông dân đang tập trung bón lân, đạm chăm sóc lần 1, tạo điều kiện để các trà lúa nhanh bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh thuận lợi. Vừa ngừng tay vãi phân lân, chị Nguyễn Thị Đào, thôn Từ Phong, xã Cách Bi cho biết: “Vụ này, gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu, trong đó có 4 sào lúa gieo thẳng, chủ yếu là giống Khang Dân, Q5 và BC 15, tranh thủ thời tiết thuận, hai ngày nay, gia đình tập trung nhân lực bón cân đối lân NPK kết hợp đạm và phun thuốc phòng trừ bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng theo hướng dẫn của hợp tác xã”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Quế Võ cho biết: Tính đến ngày 24-7, toàn huyện đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ 6.900 ha lúa mùa, trong đó gần 40% là diện tích gieo thẳng, gần 95% là trà mùa trung. Phòng Nông nghiệp&PTNT đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa mùa và thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại để khuyến cáo nông dân phòng trừ, đồng thời, tiến hành phát thuốc phun trừ rầy và thuốc diệt ốc bươu vàng cho nông dân. Do vậy, đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện đang phát triển tốt.
Cùng với Quế Võ, ngay sau khi hoàn thành gieo cấy lúa mùa, nông dân các địa phương trong tỉnh chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ các trà lúa, đặc biệt là tiến hành bón phân chuồng, lân NPK và bón cân đối đạm theo phương châm “Nặng đầu nhẹ cuối” kết hợp làm cỏ sục bùn; tổ chức bắt ốc bươu vàng, đánh bắt chuột đồng gây hại ở những xứ đồng cao; trữ nước ở mặt ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi… Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp&PTNT, bước vào vụ mùa năm nay, mặc dù ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng do có sự chỉ đạo tập trung cao của ngành Nông nghiệp và các địa phương nên đến hết tháng 7, toàn tỉnh cơ bản gieo cấy xong diện tích lúa mùa, chủ yếu là trà mùa trung. Trong đó, gần 6.000 ha lúa gieo thẳng, tập trung ở các huyện Lương Tài (2.950 ha), Quế Võ (2.486 ha), Gia Bình (401ha), Thuận Thành (54,6 ha); trên 40% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa chất lượng cao như  lúa nếp (N97, BM9603, PD2), lúa tẻ thơm (Bắc thơm số 7, Nàng xuân, TBR 225)…
Theo lãnh đạo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 với lượng mưa lớn trong các ngày từ 18 đến 20-7 đã làm hơn 8.200 ha lúa mùa trên địa bàn tỉnh bị đầy nước và ngập úng. Ngành Nông nghiệp&PTNT đã tích cực bơm tiêu nước, bảo vệ diện tích mùa. Đồng thời, hướng dẫn nông dân tiến hành tỉa dặm, bảo đảm mật độ lúa và bón bổ sung lân super kết hợp phun bổ sung các chế phẩm sinh học như KH, ET… giúp lúa phục hồi nhanh.
Dự báo sinh vật hại lúa mùa sẽ xuất hiện từ nay tới cuối vụ, đặc biệt là các bệnh: lùn sọc đen, rầy nâu, rày lưng trắng... Để bảo đảm lúa mùa phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng đề ra, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương cử cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, nắm chắc diễn biến thời tiết, tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, điều tiết nước hợp lý, nhất vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, trỗ bông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để nông dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Hữu Thắng (Cổng TTĐT tỉnh)