Tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản

17/04/2018 08:19 Số lượt xem: 1238

Những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích. cực Ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản về bảo đảm ATTP được nâng lên đáng kể, nhiều mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đang được xây dựng và nhân rộng... Tuy nhiên, để quản lý tốt chất lượng từ gốc, bảo đảm ATTP từ nông trại đến bàn ăn đòi hỏi sự thay đổi lớn từ nhận thức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng của người sản xuất.

Đoàn Thanh tra liên ngành về ATTP kiểm tra khu vực bày bán nông sản tại Siêu thị Dabaco trong dịp Tết Nguyên đán Xuân Mậu Tuất 2018.

 

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản được tăng cường bằng các hình thức phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận với tất cả các đối tượng. Đơn vị phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện quảng bá sản phẩm nông sản địa phương trên chương trình “Nông sản sạch - Con đường nông sản Việt” đối với 2 sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn là Thạch đen (Yên Phong) và Nem Bùi (Thuận Thành); phối hợp với Công ty Chăn nuôi gia công Smart Life triển khai thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, quảng cáo cho 7 sản phẩm trứng gà. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh.

Trong năm qua, đã tổ chức kiểm tra và xác nhận kiến thức về ATTP cho hơn 1.500 trường hợp, tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; thực hiện 3 đợt thanh tra liên ngành về ATTP; 12 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với gần 200 cơ sở. Chỉ đạo hình thành các vùng sản xuất theo chuỗi, vùng sản xuất đủ điều kiện ATTP. Toàn tỉnh có 23 cơ sở được cấp Giấy Chứng nhận VietGap, trong đó 12 cơ sở trồng trọt, 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 142 cơ sở được cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc cấp Giấy Chứng nhận ATTP mới tập trung chủ yếu ở các cơ sở trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, số lượng các cơ sở chăn nuôi được cấp còn ít. Phần lớn người sản xuất vẫn mang nặng phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm tới quy trình sản xuất an toàn.

 

Rất ít cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh bảo đảm vệ sinh thú y. Ảnh: Minh họa

 

Có một thực tế là tình trạng nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh thực phẩm trong tỉnh chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, các cơ sở đa phần là thủ công, mang tính hộ gia đình, cá thể với điều kiện sản xuất còn hạn chế, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm, theo chuỗi liên kết; chưa có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, chủ yếu vẫn nhỏ lẻ và chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, ATTP. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được nông dân đầu tư sản xuất. Quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao…

Năm 2017 được chọn là Năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp&PTNT tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo ATTP. Để hoàn thành mục tiêu và từng bước quản lý tận gốc chất lượng ATTP từ nông sản, ngành Nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý ATTP tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, trọng tâm là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất, kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản. Triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP, đặc biệt là Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo nhân rộng các mô hình chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh để xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cấm, thuốc thú y, bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; giúp nhân dân biết, tiếp cận nông sản an toàn, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ cho nông dân, doanh nghiệp, là cơ sở để nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn; tích cực phối hợp với Ban Quản lý ATTP nhằm kiểm soát các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp…

Việt Hoa