Tăng cường các hoạt động phòng chống HIV/AIDS

12/07/2018 08:52 Số lượt xem: 2514
Với vai trò là cơ quan thường trực về phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, chú trọng vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và hành vi cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Thống kê toàn tỉnh, tính đến ngày 31-5, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 2.457, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 1.449. Tuy nhiên chỉ có 741 người được quản lí. Điều này chứng tỏ số người nhiễm HIV/AIDS chưa được quản lí còn khá lớn, nguyên nhân có thể do bị mất dấu, đối tượng bị đi tù, đi trại cải tạo, tên tuổi, địa chỉ của đối tượng không có thực hoặc đối tượng di chuyển sang tỉnh khác. Hiện nay, tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố với 122/126 xã, phường, thị trấn đến phát hiện có người nhiễm HIV; trong đó thành phố Bắc Ninh có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất (chiếm 46.7%) với 100% xã, phường có người nhiễm HIV.
Trước tình hình bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khá phức tạp, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổ chức phát trên hệ thống loa đài phát thanh 1053 lượt bài truyền thông về HIV/AIDS tại khu dân cư và các khu công nghiệp. Phối hợp với Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đăng tải, phát sóng nhiều tin, bài với trọng tâm nội dung phản ánh về công tác điều trị ARV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, thực hiện các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc AIDS vào năm 2030.
Công tác can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS cũng được thực hiện liên tục thông qua các nhóm tiếp cận cộng đồng, tiến hành tiếp cận truyền thông, cấp phát bơm kim tiêm và bao cao su cho trên 2000 lượt người nghiện chích ma túy, phát miễn phí 167.040 chiếc bơm kim tiêm, thu gom 85.357 bơm kim tiêm qua sử dụng, cấp 33.441 ống nước cất và 26.080 bao cao su.
Toàn tỉnh hiện có 152 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, gồm 126 trạm y tế xã, 15 bệnh viện - trung tâm y tế tuyến huyện, 11 cơ sở y tế tuyến tỉnh và bệnh viện tư nhân. Riêng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 1 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Tính đến ngày 20-6, toàn tỉnh có 34.236 lượt người được tư vấn xét nghiệm HIV, tổng số khẳng định HIV là 44 trường hợp. Hệ thống giám sát HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng chống HIV/AIDS ngày càng được củng cố và hoàn thiện.
Do HIV lây truyền qua 3 con đường là đường máu, đường tình dục và đường mẹ con nên công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cũng được triển khai rộng khắp. Tháng 6 vừa qua, tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV mẹ - con được tổ chức trên toàn tỉnh với nhiều hoạt động cụ thể. Riêng với chương trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, 5 tháng đầu năm 2018, các cơ sở đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 14.254 lượt phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 38% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV trong giai đoạn mang thai, còn lại có đến hơn 60% phụ nữ được xét nghiệm HIV trong giai đoạn chuyển dạ. Điều này cũng làm giảm hiệu quả của công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Xuất phát từ thực tế đó, cuối năm 2017 đến nay, Sở Y tế đã triển khai chương trình tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại trạm y tế trong các đợt tiêm chủng mở rộng và quản lí thai nghén; nhờ đó tỉ lệ phụ nữ được xét nghiệm HIV sớm ngay từ đầu thai kì được nâng lên rõ rệt, công tác điều trị dự phòng cũng nhờ vậy mà đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) vẫn được coi là điều trị đặc hiệu, bởi ARV làm ức chế sự nhân lên của virut, do đó duy trì được lượng virut thấp nhất trong máu, duy trì tình trạng bình thường của hệ miễn dịch, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Công tác chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV được triển khai tại Bắc Ninh từ nhiều năm và cho hiệu quả tích cực.
Tỉnh có 4 cơ sở thực hiện điều trị ARV gồm: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, Bệnh viện sản nhi, BVĐK huyện Quế Võ và BVĐK huyện Gia Bình với 531 bệnh nhân đang được điều trị. Nhằm hỗ trợ tối đa chi phí cho người nhiễm HIV, UBND tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 100% người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế (có 458 bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm). Cũng nhờ điều trị dự phòng bằng thuốc ARV đầy đủ, có 9 trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoàn toàn khỏe mạnh, không nhiễm HIV và tiếp tục được điều trị dự phòng bằng ARV.
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai tại Bắc Ninh từ năm 2014. Lợi ích mà chương trình đem lại được các cấp chính quyền nhìn nhận và ủng hộ, khuyến khích các đối tượng nghiện chích ma túy tham gia điều trị Methadone. Hiện nay trên toàn tỉnh có 2 cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone, 1 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 1 tại Trung tâm cai nghiện ma túy với lũy tích 794 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 380 người, trong đó có 65 bệnh nhân nghiện chích ma túy nhiễm HIV/AIDS.
Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm nhờ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể ở tỉnh, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, bám sát vào tình hình thực tế. Kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục ghi nhận nhiều năm liên tiếp giảm cả về số phát hiện mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Những thành tựu đó đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giảm đói nghèo.
Tuy nhiên, HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên và liên tục; hơn nữa, nhóm người có hành vi, nguy cơ cao lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Các dịch vụ phòng, chống HIV vẫn còn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt được mức có thể khống chế được đại dịch.
Để nâng cao hơn nữa công tác này, thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn kĩ thuật phòng, chống HIV/AIDS với một số giải pháp cụ thể về hoạt động truyền thông, xã hội hóa một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo điều kiện cho bệnh nhân điều trị Methadone…

Nguyễn Oanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh