Tầm vóc, tài năng “người nghệ sĩ Quan họ” truyền thống

10/09/2021 20:42 Số lượt xem: 3364
Nghề chơi Quan họ là sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc lấp lánh của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc. Phác họa chân dung và tìm hiểu quá trình hình thành tài năng, sự sáng tạo nghệ thuật của “người nghệ sĩ Quan họ” trong truyền thống để thấy mối liên hệ tiếp nối vô cùng ý nghĩa và cần thiết trong quá trình đào tạo các nghệ sĩ hiện đại cũng như việc xây dựng lớp liền anh, liền chị kế cận lâu dài của Di sản văn hóa Quan họ hôm nay và mai sau.

Những sinh hoạt văn hóa Quan họ truyền thống là môi trường để các liền anh, liền chị học hỏi, rèn luyện, mài giũa vốn liếng và tri thức về văn hóa, nghệ thuật Dân ca Quan họ. (Ảnh tư liệu).


Trong truyền thống, người chơi Quan họ trước khi trở thành “người nghệ sĩ Quan họ” hầu hết đều phải qua một chặng đường dài bền bỉ tích lũy, rèn luyện. Bắt đầu là những bài hát ru của ông bà, cha mẹ đến những bài hát vui của anh chị, cô bác xóm giềng... cứ thế cho đến khi lên 9, 10 tuổi họ đã thuộc và có thể ca vài chục bài Quan họ.
Chính môi trường sinh hoạt toàn diện với nhiều mặt hoạt động của văn hóa Quan họ đã trở thành “trường học” đào tạo một cách tự nhiên, tự nguyện những “người nghệ sĩ Quan họ”. Kể rằng, “15 tuổi đã đủ lối, đủ câu, có người 17 tuổi đã đứng đầu một nhóm Quan họ nữ đi ca hết hội này sang hội khác, không thua một câu, kém một lối”. Mà cái sự đủ lối, đủ câu của liền anh, liền chị xưa không phải chỉ nằm lòng vài trăm bài mà còn phải am hiểu, nắm vững thành thục mọi lề lối, phong tục, có thể nhập cuộc chính thức vào các sinh hoạt văn hóa Quan họ như đi ca hát trong lễ hội, tham gia diễn xướng trong những canh hát kết bạn hay những cuộc thi hát giật giải... Đúng theo cách nói của các nghệ nhân: “Đã gọi là đủ lối, đủ câu thì còn phải đủ vẻ nữa. Đủ vẻ tức là biết bắt hơi, nhả hơi, nảy tiếng sao cho hơi lúc nào cũng dư, tiếng lúc nào cũng đầy đặn, tròn trặn, vừa nảy vừa vang, còn phải biết dẫn biết luồn để khi hát đôi biết đỡ hơi, đắp hơi cho khéo, cho khớp thì mới hát khỏe, hát rền trong suốt 3-4 tiếng đồng hồ được”...
Vì công phu như thế nên người chơi Quan họ phải gắn mình với sinh hoạt văn hóa Quan họ từ thuở ấu thơ và suốt cả thời niên thiếu. Mỗi người đều phải tự ý thức rèn luyện, học hỏi, bồi đắp tri thức, vốn liếng bài bản, kĩ năng, kĩ xảo và hình thành phong cách riêng để tự đánh dấu mình bằng sự thành thục trong nghề chơi. Đến khi thạo nghề, giỏi nghề rồi họ vẫn liên tục trau rồi, nâng cao và nỗ lực đạt đến trình độ sáng tạo Quan họ, nghĩa là có khả năng “đặt câu, bẻ giọng” - sáng tác những bài mới, “bài độc” để làm vốn, tung ra giữa những cuộc hát thi, hát đối khiến Quan họ bạn lúng túng...
Mặt khác, trong những dịp sinh hoạt ca xướng ấy, người chơi Quan họ còn phải có khả năng, bản lĩnh nghệ thuật để nhận biết những bài Quan họ mới sáng tác do bên bạn đưa ra có đúng chất Quan họ không, hay chỉ là sự vay mượn sống sượng từ các thể loại khác. Muốn vậy, ngoài nắm vững toàn bộ bài bản Quan họ hiện hành, “người nghệ sĩ Quan họ” còn phải am hiểu các loại hình nghệ thuật khác để có đủ trình độ phân tích, chứng minh cho việc khen ngợi hoặc bác bỏ những bài đối mới, làm sao cho cả hội thi và cả giới Quan họ thừa nhận. Quá trình đó cũng là cơ hội để người chơi Quan họ thu nhận và chia sẻ tri thức trong mối liên hệ giữa cá nhân và tập thể để bổ sung cho nhau, bổ sung giữa thế hệ cũ và thế hệ mới, để điều chỉnh, thanh lọc và kết tinh, lan tỏa những giá trị tinh túy của Di sản Dân ca Quan họ. Như vậy, “người nghệ sĩ Quan họ” không đơn thuần chỉ là ca hát hay sáng tác mà họ vừa là người lao động nghệ thuật vừa tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng và cũng là người thưởng thức, bình phẩm, đánh giá nghệ thuật Quan họ.

Người chơi Quan họ không ngừng học hỏi để chỉn chu, chuẩn mực từ trang phục đến lời ăn nết ở...


Tìm hiểu con đường dẫn tới tài năng và sự sáng tạo của những ông trùm, bà trùm Quan họ hay các anh Hai, anh Ba, chị Tư, chị Năm... đều thấy họ trải qua một quá trình tầm học công phu, bền bỉ trong đời sống văn hóa văn nghệ của quê hương, nhất là trong các sinh hoạt văn hóa Quan họ. Những người yêu Quan họ cổ, có lẽ ai cũng biết đến tên tuổi các cụ Nguyễn Đức Sôi, cụ Tư La, cụ Ba Thà, cụ Cả Vịnh, cụ Bánh, cụ Son... Họ đều là những “đại thụ” ở các làng Quan họ gốc. Ngoài thành thục nghề chơi, các cụ còn nằm lòng các tích Tuồng, Chèo, những bài Ca trù, có thể đọc ngược đọc xuôi hàng trăm câu Kiều, thuộc hàng nghìn bài Kể hạnh, thơ chữ nôm và nhiều câu hát Ví, hát Xẩm...
Giới nghiên cứu đánh giá: Người chơi Quan họ thời xưa khi đã “đủ lối, đủ câu” cũng có nghĩa là bồi đắp được một tri thức phong phú về thơ ca dân gian với những hiểu biết ở nhiều mức độ khác nhau về thơ văn, điển tích điển cố văn học, về thanh nhạc... Họ không tích lũy những tri thức ấy bằng nhận thức lý trí mà bằng toàn bộ sự rung cảm tâm hồn và cảm xúc thẩm mỹ nên kết quả thu lượm được vừa dày dặn vừa bền vững, đặc biệt luôn có sự thôi thúc thực hành diễn xướng, luyện câu, luyện giọng quanh năm suốt tháng để sau đó tiếp tục thăng hoa sáng tạo nghệ thuật Quan họ. Và ngay cả khi trở thành người sáng tác Quan họ rồi họ vẫn tiếp tục gắn bó với sinh hoạt Quan họ đến trọn đời.    
Bằng cả cuộc đời mài giũa, tích lũy và sáng tạo nghệ thuật, những người nghệ sĩ Quan họ tài năng, mẫu mực đã hun đúc, kết tinh bản bắc dân tộc, đồng thời khẳng định giá trị, bản lĩnh nghệ thuật đạt đến tầm vóc lý tưởng cao đẹp trong suốt quá trình thực hành, gìn giữ, bảo vệ một “nghề chơi” công phu và độc đáo mang tầm nhân loại.

Thanh Lâm