Tai nạn giao thông - Còn đó những mối lo

23/09/2019 07:55 Số lượt xem: 4008
Bắc Ninh có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc. Giao thông phát triển đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội tiến nhanh và vững chắc. Cùng với đó, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cũng đặt ra rất nhiều thách thức, nhất là những mối lo về tai nạn giao thông (TNGT) đang đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời, dứt điểm.

Kỳ 1: Hiểm họa từ “ma men” và mối lo do thiếu ý thức 

 

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới tài xế sử dụng rượu, bia, chất kích thích điều khiển phương tiện giao thông, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Đây chính là những biểu hiện của việc coi thường tính mạng và tình trạng thiếu ý thức của nhiều người tham gia giao thông khiến TNGT hiện hữu và ngày càng nan giải trên mỗi cung đường. 

 

Giao thông đồng bộ là điều kiện thúc đẩy kinh tế-xã hội của Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững.  

 


Nỗi đau TNGT từ rượu, bia
Dù không muốn nhắc lại những vụ TNGT đau lòng, song để cảnh tỉnh cho mọi người và toàn xã hội về sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia rồi lái xe, xin được nêu ra những minh chứng cụ thể. Đã 1 năm trôi qua, nhưng người dân thôn Phú Dư (xã Quỳnh Phú, Gia Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến vụ tai nạn thương tâm cướp đi tính mạng của 2 thanh niên trong thôn. Theo lời kể của người dân, buổi tối tháng 9 năm 2018, nhóm thanh niên vốn là bạn thân gặp gỡ, liên hoan nhân đợt nghỉ lễ. Sau khi uống khá nhiều rượu, nhóm thanh niên rủ nhau đi hát karaoke. Không may, trên đường đi, anh N.V.T (sinh năm 1990) và anh N.X.T (SN 1990) chở nhau trên xe máy đã va chạm với xe ô tô tải. Hậu quả 1 người tử vong tại chỗ và một người tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Sự ra đi đột ngột ấy là mất mát không gì bù đắp được của gia đình, người thân, trong đó nạn nhân N.V.T còn có 2 con nhỏ, có cháu mới hơn 5 tháng tuổi. 

 

Lãnh đạo Sở GTVT trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) nhân dịp năm học 2019- 2020.


Trên Quốc lộ 17 đoạn qua địa phận xã Nhân Thắng (Gia Bình) vào cuối năm 2018 xảy ra 1 vụ TNGT, nạn nhân là anh D.V.H (32 tuổi). Nguyên nhân được xác định là do trước khi tham gia giao thông, anh H đã uống khá nhiều rượu nên khi về nhà do phóng nhanh, không làm chủ được tốc độ tự đâm vào cột đèn ven đường… Cái chết đột ngột của anh H để lại niềm xót thương cho gia đình, làng xóm, nhất là người vợ trẻ khi họ vừa mới tổ chức đám cưới chưa lâu… 
Những cái chết thương tâm trên chính là hồi chuông cảnh báo cho người dân và toàn xã hội về vấn nạn sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông. Tại Bắc Ninh, việc người dân điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia cũng không phải hiếm. Chỉ cần dạo quanh các tuyến đường của thành phố Bắc Ninh hay nhiều khu đô thị sầm uất ở các huyện, thị xã, các khu vực dân cư gần các KCN như Yên Phong, Quế Võ, Từ Sơn, Tiên Du… vào các buổi chiều hoặc tối rất dễ bắt gặp cảnh xe máy, ô tô đỗ kín ven đường, trên vỉa hè, người người tấp nập vào nhà hàng, quán nhậu. Không ít người khi vào thì tỉnh táo, lúc ra mặt đỏ tía tai, đi loạng choạng song vẫn điều khiển ô tô, xe máy ra về. Có người may mắn về được tới nhà an toàn, song cũng có người phải ra đi mãi mãi, bỏ lại vợ dại con thơ, cha già, mẹ héo… dù cho các cấp, ngành thường xuyên cảnh báo về những hiểm họa khôn lường do rượu, bia khi tham gia giao thông.
Sử dụng chất kích thích, rượu, bia khi tham gia giao thông gây TNGT hiện đang là vấn nạn mà toàn xã hội lên án bởi hậu quả, hệ lụy là những mất mát to lớn về người và tài sản. Cũng như cả nước, vấn nạn này ở Bắc Ninh đã và đang gây nhiều bức xúc cho cả cộng đồng xã hội. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu và vận chuyển 115 tỉnh Bắc Ninh chia sẻ:  “Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115 đã  tổ chức cấp cứu nhiều ca TNGT do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Các ca này thường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng của người bị nạn, ảnh hưởng đến quy trình cấp cứu, điều trị. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vì tính mạng của chính mình và của người khác…”. 


Tiềm ẩn TNGT do thiếu ý thức 
TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, song thực tế hiện nay thì phần lớn do nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu ý thức con người. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 59 vụ TNGT đường bộ, làm chết 47 người, bị thương 24 người, so với cùng kỳ năm 2018, giảm 4 vụ và giảm 8 người chết. Qua phân tích 33 vụ TNGT, lực lượng chức năng xác định có đến 39,4% số vụ TNGT liên quan tới qui trình thao tác lái xe của người điều khiển phương tiện; 33,3% nguyên nhân do đi sai làn đường, phần đường; 18,2% do chuyển hướng sai qui định; 9,1% do dừng đỗ, còn lại đang được điều tra làm rõ.
Những con số trên cho thấy, bên cạnh số đông nêu cao ý thức thì vẫn có không ít trường hợp người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Điển hình và nguy hiểm nhất là tình trạng uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về ATGT khác cũng rất đáng bị lên án như: Đi sai phần đường, làn đường, đi ngược chiều, quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ…
Với đặc thù của tỉnh công nghiệp phát triển, hệ thống giao thông dầy đặc đan xen giữa các khu, cụm công nghiệp với các địa bàn dân cư nên ý thức của người tham gia giao thông luôn đóng vai trò quyết định đến việc bảo đảm ATGT trên các cung đường. Hiện nay, toàn tỉnh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó có 10 KCN đi vào hoạt động, có hơn 30 khu, cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với gần 290.000 lao động. Vì thế vấn đề bảo đảm ATGT cho công nhân trong và ngoài khu công nghiệp luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, mặc dù tỉnh đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm ATGT cho công nhân các khu, cụm CN, làng nghề như: Xây dựng các cầu vượt, mở đường gom trên Quốc lộ 18, Quốc lộ 1; các nút giao vào các KCN Tiên Sơn, Yên Phong, Quế Võ, VSIP, nhiều doanh nghiệp tổ chức xe đưa, đón công nhân… Tuy nhiên, tình trạng thiếu ý thức khi tham gia giao thông của nhiều người lao động và cả người dân ở các địa bàn này vẫn còn rất nan giải. Nhiều biểu hiện thiếu ý thức, vi phạm quy định về trật tự ATGT như: Đi lấn làn, đi hàng 2, hàng 3, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… vẫn thường xuyên xảy ra. Điển hình nhất là tại KCN Quế Võ, mặc dù tại đây có đường gom, cầu vượt song nhiều công nhân vẫn “rồng rắn” sang đường thành những hàng dài, thậm chí là đi vào đường cấm, đi ngược chiều. Tại KCN Yên Phong cũng có các nút giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có cầu vượt song cảnh xe máy đi ngược chiều, tình trạng xe khách dừng đón trả khách (chủ yếu là công nhân) trên Quốc lộ 18 vẫn xảy ra hàng ngày… 

 

Người dân chiếm dụng lòng Quốc lộ 17 (đoạn qua địa phận xã Gia Đông, Thuận Thành) để phơi thóc.

 

 

Việc người dân chiếm dụng lòng đường làm nơi phơi nông sản khi vào mùa vụ, dựng rạp mỗi khi có việc cưới, việc tang; tình trạng bày bán hàng, họp chợ với cảnh người mua, kẻ bán tấp nập ngay trên vỉa hè, dưới lòng đường vẫn còn diễn ra trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ. Điển hình trên Quốc lộ 17 là khu vực ngã tư Dâu (Thuận Thành),  chợ Đông Bình (Gia Bình); Quốc lộ 18 là khu vực chợ Phủ (thị trấn Phố Mới, Quế Võ)… Mặc dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý, ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT, tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính song tình trạng tái phạm vẫn xảy ra. Điều này không những cản trở trực tiếp đến việc lưu thông của các phương tiện mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của người tham gia giao thông và chính những người vi phạm hành lang giao thông. 
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh thì phần lớn các vụ TNGT trên địa bàn xảy ra là do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông, vi phạm các quy định về ATGT. Bởi vậy, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông nhằm góp phần giảm nguy cơ TNGT. Việc thực hiện văn hóa giao thông sẽ tạo thói quen cư xử có văn hóa, tuân thủ pháp luật và chính là biểu hiện văn minh trong xã hội hiện nay...

                                                          
 Kỳ 2: Mối lo từ giao thông nông thôn

Lê Thanh - Lê Đại - Đức Quý