Tai nạn giao thông - Còn đó những mối lo

25/09/2019 10:03 Số lượt xem: 3425

Kỳ 3: Loại trừ những mối lo

 

Loại trừ những mối lo về TNGT, để mỗi cung đường được an toàn, thông suốt vừa là yêu cầu cấp bách vừa là sinh kế lâu dài nhằm phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh và mỗi địa phương cũng như sự bình yên, hạnh phúc của mỗi người dân. Bởi vậy, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm quyết tâm kéo giảm TNGT trên địa bàn.

 

 

Không để “ma men” cầm tay lái
Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trọng tâm là tăng cường kiểm tra, kiểm soát người và các phương tiện tham gia giao thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Đặc biệt là thực hiện các chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn và chất kích thích của người điều khiển phương tiện giao thông… 
Từ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các cấp, ngành, lực lượng chức năng tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn; tổ chức nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời từng bước xây dựng văn hoá giao thông với mục tiêu ngăn ngừa và từng bước chấm dứt tình trạng người sử dụng rượu bia, chất kích thích điều khiển phương tiện tham gia giao thông…

 

Cảnh sát giao thông Yên Phong kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.


Chúng tôi có dịp chứng kiến các chiến sỹ Đội CSGT Công an huyện Yên Phong tuần tra, kiểm soát tại Tỉnh lộ 295. Mặc dù thời điểm kiểm tra diễn ra khoảng hơn 13h chiều, nhưng sau hơn 1 giờ kiểm tra gần 20 lái xe, lực lượng chức năng không phát hiện trường hợp nào vi phạm về nồng độ cồn. Thiếu tá Trần Thế Hưng, Đội trưởng Đội CSGT khẳng định: Thời gian qua, Yên Phong đã tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng như áp dụng nhiều biện pháp tuần tra, kiên quyết xử lý vi phạm nên tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Ý thức của người tham gia giao thông từng bước nâng cao. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thì các lực lượng chức năng của huyện vẫn phải thường xuyên, liên tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các giải pháp về tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…
Trên thực tế đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông như tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên, tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới... Ngoài ra, các giải pháp về công nghệ và dịch vụ như tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh… Song trước khi những đề xuất trên được phê duyệt và đi vào cuộc sống thì theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cùng với việc lập các chốt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát quyết liệt, điều quan trọng nhất vẫn phải đẩy mạnh tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức và hành động của mỗi người dân, tạo ý thực tự giác chấp hành các quy định và xây dựng văn hóa giao thông, để mỗi người đều tự giác thực hiện tốt việc “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” thì mới xử lý triệt để được vấn đề này.

Nâng cao ý thức người dân
Quán triệt tinh thần Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Nghị quyết số 32 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT”, thời gian qua tỉnh huy động sâu rộng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trong quá trình triển khai, Ban ATGT tỉnh luôn xác định muốn kìm hãm, kéo giảm TNGT thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự  ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân là việc làm hết sức cần thiết. 

 

Lực lượng CSGT tăng cường tuyên truyền Luật ATGT cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh.


Vì thế từ lâu những mô hình, chương trình như “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn”, “Bé với ATGT”, “Doremon với ATGT”… được Ban ATGT và ngành Giáo dục - Đào tạo chú trọng triển khai sâu rộng trong các trường học, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức và ý thức tham gia giao thông, đặc biệt sớm hình thành văn hóa giao thông cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 
Ngoài ra, các cấp, ngành của tỉnh cũng đẩy mạnh các hình thức như tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, treo các panô hình ảnh về văn hóa giao thông, về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cũng như phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là việc tuyên truyền trực quan, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân từ chính việc xử lý quyết liệt các vi phạm ở mỗi địa bàn dân cư, tăng cường cảnh báo từ các gia đình về TNGT cũng như thực hiện chương trình giáo dục cho người tái vi phạm Luật Giao thông… Từ đó, tạo sự chung tay, trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. 

 

Tuyên truyền pháp luật về giao thông trong trường học sẽ gióp phần hình thành ý thức văn hóa giao thông cho học sinh


Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đầu tư để từng bước thực hiện việc xử “phạt nguội” các trường hợp vi phạm trật tự ATGT thông qua phần mềm camera giám sát trên các tuyến giao thông. Hiện, đã  lắp đặt 296 camera tại những nút giao cửa ngõ vào thành phố Bắc Ninh và các nút giao có tần suất phương tiện tham gia giao thông lớn. Điều này không chỉ tăng tính nghiêm minh, tạo sự răn đe, xử phạt đúng lỗi vi phạm mà còn  từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định ATGT cho người tham gia giao thông trên địa bàn.

Cho mỗi cung đường an toàn, thông suốt
Ngay từ khi tái lập (1997), Bắc Ninh đã quan tâm xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH. Nhờ có quyết sách đúng đắn đó mà sau hơn 22 năm tái lập, hệ thống giao thông của tỉnh được đầu tư, nâng cấp hiện đại bậc nhất khu vực và cả nước. Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022, thời gian tới nhiều tuyến đường, cây cầu mới sẽ được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Tỉnh cũng đang đẩy nhanh việc triển khai dự án đầu tư hệ thống giao thông thông minh thuộc Đề án tổng thể thành phố thông minh. Trong chiến lược đó, một yếu tố then chốt, có vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững chính là việc bảo đảm ATGT trên mỗi cung đường trong điều kiện hạ tầng giao thông ngày càng được mở rộng, lưu lượng tham gia giao thông ngày càng tăng cao.

 

Tháo dỡ biển hiệu vi phạm hành lang ATGT trên Quốc lộ 17,  đoạn qua xã Nhân Thắng (Gia Bình).


Nhận thức được điều đó, Bắc Ninh rất chú trọng đến thực hiện công tác quy hoạch giao thông bảo đảm sự kết nối giữa các khu vực, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và nhất là xử lý kịp thời các xung đột, bất hợp lý cần phải khắc phục trong tổ chức giao thông. Các lực lượng chức năng của tỉnh, ngành Giao thông - Vận tải và các địa phương thường xuyên kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình và có giải pháp xử lý dứt điểm những bất hợp lý nhằm bảo đảm ATGT như bổ sung hệ thống biển báo, chỉ dẫn, đèn tín hiệu, gờ giảm tốc, giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông, mở rộng mặt cắt các tuyến đường qua khu dân cư, các nút giao thông đông đúc, các điểm bị che khuất tầm nhìn… Nhờ đó, nhiều vị trí bất cập, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT được xử lý, giải quyết kịp thời.
Đối với việc quản lý phương tiện và người điều khiển vi phạm quy định về trật tự ATGT, các lực chức năng luôn quyết liệt, xử lý nghiêm minh, nhất là những vi phạm về nồng độ cồn, tải trọng, chở quá số người quy định, vi phạm về kiểm định phương tiện và những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vượt đèn đỏ… Công tác quản lý vận tải cũng được thực hiện tốt, trọng tâm là việc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh của các loại hình vận tải. Các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên chủ động, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tăng cường công tác đào tạo, sát hạch xe ô tô, mô tô... nhằm chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, góp phần bảo đảm ATGT và thúc đẩy kinh tế phát triển. 
…TNGT để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, cướp đi sức khoẻ, mạng sống của biết bao con người và gây thiệt hại lớn về tài sản, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó, nợ nần, bế tắc. Giảm thiểu TNGT là mục tiêu mà cả xã hội hướng tới, vì thế các cấp, ngành và mỗi người dân cần tiếp tục chung tay, góp sức loại trừ các mối lo về TNGT, để cho mỗi cung đường luôn an toàn, thông suốt, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

Lê Thanh - Lê Đại - Đức Quý