Tái đàn và những biện pháp phòng dịch trong chăn nuôi lợn

18/10/2019 08:53 Số lượt xem: 2265
Trước những diễn biến phức tạp, bất thường, nghiêm trọng của dịch tả lợn Châu Phi hoành hành từ tháng 3 đến nay, chủ trương của tỉnh vẫn chưa cho tái đàn, khiến tổng đàn lợn toàn tỉnh giảm mạnh, nguồn cung khan hiếm.

Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, có 3 dịch bệnh lớn bùng phát trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, đó là: Dịch cúm gia cầm; dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc và dịch tả lợn Châu Phi ở đàn lợn. Công tác dập dịch khẩn trương, đúng trọng tâm, trọng điểm nên cơ bản dịch bệnh được kiểm soát. Dịch cúm gia cầm và dịch bệnh lở mồm long móng được dập tắt trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn, không gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Riêng đối với dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được kiểm soát. Đến thời điểm này có 110/123 xã, phường qua 30 ngày không tái dịch. 2/8 huyện, thị xã, thành phố dập dịch hoàn toàn, dịch không tái phát.

Đàn lợn của gia đình ông Trường áp dụng đúng quy trình an toàn sinh học, phát triển khỏe mạnh.

Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh còn 231.000 con, đạt 57,75% kế hoạch, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 47.590 tấn, đạt 64,84% kế hoạch. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao từng ngày. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, tham mưu cho tỉnh ban hành kịp thời hơn 30 văn bản chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh, trong đó, hơn 20 văn bản tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, ý thức phòng bệnh của các chủ trang trại, người chăn nuôi được nâng cao nên các cơ sở chăn nuôi lớn cơ bản được bảo vệ an toàn, ổn định đàn lợn, không lây lan dịch; hệ thống sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi giữ ổn định; chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi có lợn mắc bệnh được ban hành kịp thời, phù hợp nên người dân tự giác chấp hành việc tiêu hủy, không có hiện tượng vứt xác lợn chết ra môi trường, hạn chế nguồn lây lan trên diện rộng. Hiện tại, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường vẫn được duy trì. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Ngành chức năng tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiếp tục có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Có nên tái đàn ở các địa phương không tái phát dịch?
Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho ngành chức năng trong công tác tham mưu với tỉnh hiện nay. Chủ trương của tỉnh vẫn chưa cho tái đàn khi dịch tả lợn Châu Phi chưa thực sự được dập tắt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của những người làm chuyên môn thì có thể tái đàn nhưng phải bảo đảm tuyệt đối chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Cũng theo bà Minh, chăn nuôi an toàn sinh học phải áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Đó là: Bảo đảm vệ sinh chuồng trại, nên có tường hoặc hàng rào bao quanh để kiểm soát người và động vật ra vào, bố trí riêng biệt các khu chăn nuôi, khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi; các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống bảo đảm không gây độc, dễ vệ sinh tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng; có kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị ... bảo đảm thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Nguồn giống rõ ràng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và phải có bản công bố chất lượng kèm theo. Bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y, kỹ thuật chăm sóc và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đúng quy định.
Trên thực tế, ngoài việc duy trì và phát triển đàn lợn ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi sản xuất, nhiều hộ dân, trang trại chăn nuôi quy mô hộ cũng mạnh dạn tái đàn và bước đầu cho thấy hiệu quả. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của ông Vũ Quang Trường, thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài) trước đó từng phải tiêu hủy 50 tấn lợn mắc bệnh. Đó là bài học đắt giá để gia đình tái đàn thành công hiện nay. Sau thời gian dài làm tốt các khâu vệ sinh khử trùng tiêu độc, quy hoạch, xây dựng lại chuồng trại, áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, lấy nguồn giống an toàn từ Tập đoàn Dabaco, hiện tại, trang trại của ông Trường có gần 1.300 con lợn, phát triển khỏe mạnh. Ông vừa xuất chuồng 400 con và tiếp tục chuẩn bị xuất thêm gần 100 con lợn thịt ra thị trường.
Ông Trường chia sẻ: Nếu mình áp dụng đúng các quy trình chăm sóc, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, lối ra vào hàng ngày, chắc chắn sẽ bảo đảm ổn định đàn lợn, không bị mắc bệnh. Đây chính là hướng đi đúng đắn để người chăn nuôi học tập, làm theo, vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa góp phần cung cấp nguồn thịt lớn cho thị trường, tránh tình trạng khan hiếm và giá tiêu dùng ngày một tăng cao.
Tái đàn và những biện pháp bảo đảm an toàn trong chăn nuôi lợn hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Người chăn nuôi phải thực sự cẩn trọng, ngành chức năng tiếp tục có những giải pháp khuyến cáo đúng đắn và giám sát chặt chẽ các khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển để chăn nuôi lợn dần tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Bài, ảnh: Hoài Anh