Sức sống mới Đắk Nông

26/04/2019 10:45 Số lượt xem: 4583
Chúng tôi đến Đắk Nông vào những ngày tháng 3 lịch sử, để tham dự Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên do Báo Đắk Nông đăng cai tổ chức. Thời điểm này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang rộn ràng kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng thị xã Gia Nghĩa (23-3) và 15 năm thành lập tỉnh. Dưới cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, đi trên những con đường rộng thênh thang giữa lòng đô thị, chúng tôi như bị hút hồn trước các trụ sở cơ quan nhà nước được xây dựng kiên cố, còn thơm mùi sơn mới và muôn kiểu nhà dân với kiến trúc hiện đại, nhấp nhô bên các sườn đồi. Trên các trục đường chính của thị xã Gia Nghĩa được trang trí cây cảnh, cờ phướn, cờ Tổ quốc... càng làm cho Gia Nghĩa thêm rực rỡ hơn.

Bộ mặt đô thị Gia Nghĩa hôm nay.

 


Trước khi đi hội thảo, trong chúng tôi chưa có ai một lần được đặt chân đến Đắk Nông. Trong suy nghĩ của mình, Đắk Nông nói chung, thị xã Gia Nghĩa nói riêng chỉ là vùng đất nhỏ, sinh sau đẻ muộn nên cơ sở vật chất, đường sá chưa phát triển. Thế nhưng, trên đường từ Đắk Lắk xuống Gia Nghĩa, đi qua các huyện nằm trên tuyến quốc lộ 14, chúng tôi mới thấy Đắk Nông đẹp hơn, hiền hòa hơn rất nhiều so với sự hình dung trước đó. Sau những ngày ở đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ, nói chuyện và tìm hiểu về Gia Nghĩa-Đắk Nông và nhận thấy, không chỉ là vùng đất đẹp mà con người cũng rất thân tình, gần gũi.
Anh Phạm Ngọc Thành, lái xe cho biết: “Đúng là có đi mới biết, Đắk Nông đang trên đà phát triển nhanh, đường sá đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất cũng được đầu tư tương xứng, tràn đầy sinh lực. Mặc dù so với Đắk Lắk có sự phát triển lâu đời, Đắk Nông chưa thể bằng, nhưng tôi tin rằng, với sự quan tâm của chính quyền, đầu tư của Nhà nước, trong tương lai, Đắk Nông sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Qua chuyến đi này, tôi lại càng mong muốn sẽ sớm được trở lại Đắk Nông. Lần sau, tôi sẽ đến đây không phải tư cách đưa đoàn đi công tác mà là sẽ cùng gia đình đi khám phá, tìm hiểu về vùng đất, con người, để hiểu thêm về nét đẹp, truyền thống của địa phương”.
Tỉnh Đắk Nông được thành lập vào năm 2004, với 8 đơn vị hành chính gồm các huyện: Chư Jút, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Giong, Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa. Từ một thị trấn nghèo nàn, đìu hiu hoang sơ, nhà cửa thưa thớt với bạt ngàn cây cối. Đến nay, sau 15 năm xây dựng, Gia Nghĩa đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hầu hết thôn, buôn, tổ dân phố và hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; số hộ nghèo theo tiêu chí mới ngày càng giảm; công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Bộ mặt đô thị Gia Nghĩa đã thay đổi toàn diện, đang dần hình thành một đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng nam Tây Nguyên, xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh.

 

Hệ thống giao thông nông thôn ở Đắk Nông được bê tông hóa.

Sự thay đổi lớn của đô thị Gia Nghĩa, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống về mọi mặt. Sự thay đổi này thể hiện rõ rệt trong đời sống và suy nghĩ của người dân. Anh Đỗ Văn Dương một người con của quê hương Bắc Ninh, đang sinh sống ở phường Nghĩa Phú (thị xã Gia Nghĩa) cho biết: “Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội, tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp đúng vào lúc tỉnh Đắk Nông được thành lập. Tính đến nay, tôi đã làm công dân Gia Nghĩa cũng tròn 15 năm rồi. Chưa bao giờ tôi thấy Gia Nghĩa phát triển, lớn và đẹp và lộng lẫy như hôm nay”.
Trên gương mặt rạng ngời, xen lẫn tự hào, anh bạn đồng nghiệp ở Báo Đắk Nông chia sẻ: Gia Nghĩa có được vóc dáng đô thị như hôm nay là cả quá trình nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông nói chung, thị xã Gia Nghĩa nói riêng. Điều khác biệt của đô thị Gia Nghĩa là địa hình nhiều đồi dốc, uốn lượn, nhiều cây xanh, nhiều hồ nước tự nhiên, cho nên trong quy hoạch và xây dựng tuân thủ quy định không đào ủi, san lấp mặt bằng; mật độ xây dựng thấp, chỉ khoảng 30% diện tích đất đô thị, diện tích cây xanh chiếm khoảng 20%, đồng thời hạn chế xây dựng các công trình, kiến trúc cao tầng, nhà ống và các công trình đều có dãy cây xanh, thảm cỏ tạo không gian rộng và đẹp cho đô thị. Đắk Nông cũng vừa chọn một Công ty của  Hàn Quốc để tư vấn lập đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với ý tưởng mở rộng diện tích đô thị Gia Nghĩa lên 76.490 ha, gấp 2,67 lần thị xã hiện nay, quy mô dân số là 250 nghìn người và xây dựng Gia Nghĩa hướng tới đô thị “Sinh thái, công nghiệp và du lịch”. Trong tương lai, đô thị Gia Nghĩa giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh với Tây Nguyên, đồng thời là một trong những đô thị lớn phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ-thương mại của Tây Nguyên.
 15 năm, một quãng thời gian không quá dài để Gia Nghĩa vượt qua những khó khăn ngày đầu, vươn mình thành một đô thị mới, căng tràn sức sống. Tạm biệt Gia Nghĩa, tạm biệt Đắk Nông xin mượn lời bài hát “Đắk Nông tôi yêu” của nhạc sỹ Đỗ Lập để nói về sức trẻ của vùng đất này: “Tôi yêu em Đắk Nông bao la. Yêu cồng chiêng rộn rã ngân xa. Hỡi em thành phố trẻ, đang đổi thay từng ngày. Trên đồi cao kia phố thị vươn lên phơi phới. Bản làng vui chan hòa, Đắk Nông ơi”…

Ghi chép của Đỗ Xuân - Minh Từ