Sức lan tỏa từ một cuộc vận động

17/07/2018 16:03 Số lượt xem: 1865
Cuộc vận động "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng" được Hội Người mù tỉnh thực hiện từ năm 2007 đã trở thành phong trào rộng khắp và có sức lan tỏa trong các cấp hội người mù. Từ cuộc vận động, cán bộ, hội viên hội người mù thêm đoàn kết, gắn bó, đồng thuận, chủ động vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Nhiều người khiếm thị được hỗ trợ dạy nghề, vươn lên làm chủ cuộc sống (Trong ảnh: Lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ do Hội Người mù tỉnh tổ chức năm 2017).

 

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ tấm gương nghị lực của cô gái trẻ Dương Thị Vui (Hội Người mù thị xã Từ Sơn), dù khiếm thị từ năm lên 10 tuổi, nhưng cô không đầu hàng số phận. 13 tuổi, Vui bắt đầu đi học chữ nổi tại Hội người mù thị xã Từ sơn, sau đó học Tiểu học và Trung học tại trường Nguyễn Đình Chiểu và Trần Nhân Tông (đều ở Hà Nội). Tốt nghiệp lớp 12, cô đăng ký theo học khoa Tiếng Anh tại trường Đại học Hà Nội. Năm 2015, Vui tiếp tục đoạt giải Ba cuộc thi “Điều gì làm bạn ấn tượng về EU” do Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp với phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức. Năm 2016, cô tham gia cuộc thi ONKY khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đoạt giải Nhì danh mục tác phẩm xuất sắc. Đây là cuộc thi khuyến khích người mù sử dụng chữ nổi, thông qua đó nói lên nghị lực và sự cố gắng của bản thân trên con đường hòa nhập cộng đồng.

Với anh Bùi Văn Huy (Hội người mù thành phố Bắc Ninh), cuộc sống tưởng chừng khép lại với bóng đêm và tuyệt vọng. Nhưng từ khi tham gia vào tổ chức Hội, anh được giúp đỡ, động viên và có thêm niềm tin yêu và cuộc sống.  Anh Huy tâm sự: “Trước kia cuộc sống của tôi chủ yếu phụ thuộc vào gia đình, đôi lúc tôi cảm thấy mình là gánh nặng của người thân, nhưng khi được tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù tỉnh, cuộc sống của tôi đã bước sang một trang mới và thực sự ý nghĩa. Tôi được tạo điều kiện học tập nâng cao kỹ năng sống, tham gia lớp xóa mù chữ, học chữ nổi Braille và được học nghề mát-xa. Sau khoá học, tôi được Hội giới thiệu vào làm việc tại cơ sở xoa bóp, tẩm quất Xuân Trường, có thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này tôi có thể tự lập cuộc sống và đỡ đần vợ con, giúp đỡ gia đình”.

Với sự giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh và các cấp Hội, cùng sự nỗ lực không ngừng, mỗi hội viên đã vượt lên chính mình, tích cực tham gia lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất cho gia đình, xã hội, từng bước thoát nghèo bền vững. Trong 10 năm qua,  cuộc vận động đã góp phần không nhỏ giúp các tổ chức hội thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người khiếm thị; phát huy được tinh thần đoàn kết, huy động các nguồn lực tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi cấp hội người mù. Các cấp hội người mù đã mở được 10 lớp học chữ Brai cho 90 hội viên; tổ chức được 55 lớp học nghề và truyền nghề cho 726 lượt người mù tham gia bao gồm các ngành nghề phù hợp với người mù như: Làm tăm, chăn nuôi trồng trọt; xoa bóp bấm huyệt; Tin học, thủ công mỹ nghệ;  tổ chức được 52 lớp tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hội viên; thông Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tỉnh hội giải ngân hơn 1,2 tỷ đồng cho gần 1.300  lượt hội viên vay phát triển kinh tế; hỗ trợ giúp đỡ xây dựng, sửa chữa được 71 cho gia đình khiếm thị nghèo; người khiếm thị được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm các loại thuế và các khoản đóng góp của địa phương; nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được Hội và các tổ chức, cá nhân thường xuyên giúp đỡ… tỷ lệ hộ nghèo trong Hội từ 38% năm 2007 xuống còn 11,2% năm 2017 theo tiêu chí mới.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội Người mù Bắc Ninh cho biết: “Trước năm 2007 đời sống của người khiếm thị hết sức khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, nhiều hội viên thụ động, trông chờ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của xã hội. Hưởng ứng cuộc vận động "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng" do Trung ương Hội phát động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên, phát huy nội lực các cấp hội, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các mặt hoạt động để cải thiện cuộc sống của người khiếm thị... Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, những tấm gương người mù giàu nghị lực, chiến thắng bệnh tật, vượt lên số phận, giúp ổn định đời sống gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

Bước vào giai đoạn mới, Hội người mù tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hội; lãnh đạo các cấp hội xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc thực hiện công tác hội, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, đến từng hội viên và toàn xã hội. Đẩy mạnh học tập, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, thăm quan các mô hình điển hình nhằm nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho cán bộ các cấp về việc làm, dạy nghề, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…Các cấp Hội chủ động, năng động, tích cực trong tạo việc làm, cho vay vốn, chăm sóc đời sống hội viên, tạo thêm các nguồn lực từ tích lũy sản xuất, dịch vụ góp phần cải thiện, chăm sóc đời sống hội viên.

Nguyễn Hoa