Sử dụng tài nguyên đất hợp lý góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển

18/09/2018 08:40 Số lượt xem: 1105
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp, gia tăng dân số đột biến, ô nhiễm môi trường và lấn chiếm đất đai của một bộ phận người dân làm cho tài nguyên đất có nguy cơ bị suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Xác định rõ điều đó, huyện Yên Phong nỗ lực sử dụng đất hợp lý theo quy hoạch đến năm 2020, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Trung tâm thị trấn Chờ (Yên Phong).

Trong 5 năm đầu (2011-2015) thực hiện kế hoạch sử dụng đất theo phê duyệt của UBND tỉnh, quỹ đất của Yên Phong chưa thực sự đáp ứng được các mục tiêu phát triển của huyện. Cụ thể: Đất nông nghiệp 6.068,45 ha, cao hơn 892,25 ha so chỉ tiêu theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Nguyên nhân là do một số diện tích đất chuyển sang mục đích phi nông nghiệp theo quy hoạch, nhưng chưa thực hiện được do xác định lại diện tích và loại đất. Đối với diện tích đất phi nông nghiệp, kế hoạch sử dụng được duyệt là 4.497,57 ha, kết quả thực hiện mới đạt 3.583,09 ha, giảm 914,48 ha so chỉ tiêu phê duyệt. Do vậy, huyện tiếp tục Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo phương án điều chỉnh sẽ tăng diện tích đất phi nông nghiệp lên 5.556,90 ha, chiếm 57,33% cơ cấu diện tích đất tự nhiên, giảm diện tích đất nông nghiệp xuống còn 4.136,08 ha, chiếm 42, 67% cơ cấu diện tích đất tự nhiên. Mục tiêu Điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất của huyện nhằm phát triển kinh tế- xã hội theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. 
Để đáp ứng được mục tiêu đặt ra, huyện xây dựng hệ thống các giải pháp cụ thể như sau: Giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Trước tiên, việc chuyển mục đích đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp phải được kiểm soát chặt chẽ theo kế hoạch, trình tự của Luật đất đai năm 2013. Xem xét kỹ các dự án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, tránh gây lãng phí tài nguyên đất đai. Khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây tổn hại môi trường đất. Đối với các chính sách áp dụng cho thuê đất phải được thực hiện theo cơ chế công khai các dự án đầu tư, có sự kiểm tra, giám sát của cả cộng đồng. Tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng thuận lợi, áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì: Nguồn nhân lực cho quản lý đất đai cũng là giải pháp hết sức quan trọng. Cần bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai ở các cấp nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng... Phòng cũng chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nghiệp vụ quản lý đất đai, môi trường cho cán bộ làm công tác địa chính, môi trường cấp huyện, xã, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đúng mục đích rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong việc phân bổ quỹ đất, quy mô diện tích và thời gian thực hiện hợp lý. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Kịp thời xử lý các vi phạm về đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất theo đúng kế hoạch, chỉ tiêu quy hoạch được xác định. Khi xem xét giao đất cần tính đến năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư, tránh lãng phí, bỏ hoang đất đai, nhằm khai thác tối đa tài nguyên đất trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Hoài Lan