Sôi nổi khí thế sản xuất những ngày đầu năm mới

18/02/2021 19:00 Số lượt xem: 6817
Ngay trong những ngày đầu xuân mới Tân Sửu 2021, dù diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, song với mục tiêu quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất, kinh doanh, hàng trăm nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động của hơn 1100 doanh nghiệp trong các KCN tập trung và hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tại các CCN, các làng nghề trong tỉnh đã bắt tay vào sản xuất trong khí thế khẩn trương, sôi động song vẫn bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Ngay từ sáng 16-2 (mùng 5 Tết) 100% công nhân Công ty TNHH Chế tạo khuôn mẫu LG trở lại nhà máy tại KCN Quế Võ. Do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên ngay trong ngày đi làm trở lại đầu năm mới, tất cả cán bộ công nhân viên lao động của Công ty đi làm sớm hơn thường ngày để có thời gian khai báo y tế cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, sau đó mới ổn định sản xuất. Là đơn vị chuyên gia công, chế tạo khuôn mẫu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI, nhất là trên lĩnh vực điện, điện tử, đến nay, Công ty trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực gia công cơ khí, xử lý và tráng kim loại. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Đạo, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19 song doanh thu của đơn vị vẫn tăng 45%, thu nhập bình quân 10-11 triệu đồng/người/tháng. Với mục tiêu hoàn thành tốt các đơn hàng cũng như chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, ngay từ những ngày đầu năm, Công ty chấn chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất quyết liệt, hiệu quả và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quản trị chi phí, hạch toán giá thành, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao chất lượng sản xuất... Đặc biệt, Công ty áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong các công đoạn sản xuất; chú trọng vào việc kiểm soát chất lượng và tiêu hao nhiên liệu, đồng thời tiếp tục đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó tạo niềm tin với đối tác và không ngừng tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới. Để phục vụ sản xuất, Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng tuần, từng tháng, bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa các bộ phận. Bố trí hợp lý lực lượng lao động của từng bộ phận nhằm vừa nâng cao trình độ tay nghề công nhân, vừa hạn chế đến mức thấp nhất về các sự cố do nguyên nhân chủ quan gây ra.

 

Dây chuyền sản xuất ĐTDĐ Samsung Note 20 Ultra-5G tại Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam (KCN Yên Phong).

 

Tại Công ty TNHH Samsung Electronics Samsung Việt Nam (KCN Yên Phong I)  ngay trong ngày làm việc đầu tiên đã có gần 95% người lao động quay trở lại nhà máy, số còn lại là những nhân viên tại các tỉnh thành có nguy cơ đang nghỉ phòng dịch có hưởng lương. Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết: “Với tỷ lệ nhân viên quay trở lại làm việc cao, SEV có thể chủ động sắp xếp mà không gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng Công ty luôn duy trì chính sách lương, thưởng và chế độ đãi ngộ trong thời gian trước và sau Tết để khuyến khích nhân viên quay trở lại làm việc và gắn bó lâu dài. Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Samsung Việt Nam liên tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhẳm bảo đảm an toàn và sức khỏe tối đa cho cho nhân viên, đặc biệt là yêu cầu mọi nhân viên thực hiện khai báo y tế nội bộ mỗi ngày. Trước đó, với những nhân viên ở các vùng có nguy cơ cao không thể về nhà ăn tết, Samsung đã sắp xếp để những nhân viên có nguyện vọng ở lại có thể đón Tết an toàn và ấm cúng ngay tại ký túc xá của Công ty”.

 

Đến ngày 17-2-2021, tại các KCN Bắc Ninh đã có 897 doanh nghiệp trở lại làm việc (đạt 81,5% so với tổng số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, đa số các doanh nghiệp trở lại làm việc từ ngày 16 đến ngày 18-2-2021, số còn lại đi làm từ ngày 18-2). Tổng số lao động trong các KCN Bắc Ninh đã đi làm trở lại là 255.339 người, đạt 77%. Theo báo cáo của doanh nghiệp, nếu tính theo ca sản xuất, người lao động đã trở lại làm việc đạt hơn 96%.


Năm 2020, dù gặp nhiều trở ngại do tác động của đại dịch COVID-19, tuy nhiên với sự nỗ lực của Samsung cũng như sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các tỉnh, thành phố nơi Samsung đầu tư, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 65,2 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 56,5 tỷ USD, chiếm 20% giá trị xuất khẩu của cả nước, riêng sản lượng sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng sản xuất trên toàn cầu. Về nhân lực, Tập đoàn có gần 120 nghìn cán bộ, công nhân đang làm việc tại 6 nhà máy, trong đó 3 nhà máy ở Bắc Ninh với hơn 60 nghìn lao động. Mặc dù ngành sản xuất điện thoại toàn cầu giảm tới 20%, nhưng riêng các nhà máy Samsung tại Bắc Ninh vẫn tăng trưởng 3,4%, đặc biệt là nhà máy SDV có sự tăng trưởng tích cực. Với nền tảng đó, năm 2021, Samsung đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh.
Tại dây chuyền lắp ráp bản mạch (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam), chúng tôi được chị Võ Thị Hiển (30 tuổi, quê Gia Lai), nhân viên bộ phận Sub Assembly chia sẻ: Quê tôi ở Gia Lai là địa phường nằm trong vùng dịch mặc dù rất muốn về sum vầy với gia đình trong dịp Tết nhưng vì lý do an toàn cho tất cả mọi người nên tôi quyết định ở lại ký túc xá đón năm mới. Công ty rất quan tâm đến đời sống của nhân viên, dù dịch COVID gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh nhưng Công ty vẫn đảm bảo lương thưởng đầy đủ cho nhân viên và những món quà tặng nhân viên trước Tết là nguồn động viên lớn cho nhân viên. Còn chị Hồ Thị Giang, 23 tuổi, quê Nghệ An, nhân viên bộ phận Main (Bộ phận Lắp ráp điện thoại) cho biết thêm: Năm nay dịch COVID ảnh hưởng rất nhiều đến không chỉ riêng mình mà tất cả mọi người về cả đời sống lẫn công việc. Tuy nhiên, mình vẫn may mắn có việc làm ổn định tại Công ty Samsung, được trả lương thưởng đầy đủ và có các chế độ phúc lợi tốt. Mong muốn trong năm 2021 Việt Nam sẽ đẩy lùi được dịch bệnh ổn định kinh tế, Công ty duy trì các chế độ phúc lợi tốt như hiện tại cho nhân viên…

 

Công ty TNHH Seojin System VINA (KCN Tiên Sơn) sản xuất các loại khuôn mẫu nhôm và vỏ nhôm cho các thiết bị thu phát sóng.

 

Theo ông Mầu Quang Thắng, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc di chuyển của người lao động ngoại tỉnh đến Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn; Một số công ty không có xe đón công nhân phải thuê đi xe đón công nhân để bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định. Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, một số doanh nghiệp đã điều chỉnh lịch bắt đầu sản xuất sau nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu chậm lại 1 hoặc 2 ngày so với kế hoạch ban đầu. Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với những công nhân trở lại làm việc để bảo đảm an toàn dịch bệnh cũng như sản xuất ngay trong những ngày đầu năm mới, góp phần thức hiện thắng lợi mục tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra… Mặt khác, trước Tết thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan liên quan làm tốt công tác chỉ đạo, lãnh đạo các doanh nghiệp trả lương, thưởng Tết kịp thời, đầy đủ cho người lao động, tổ chức đưa đón công nhân về quê ăn Tết.
Chia tay những công nhân tại các nhà máy, doanh nghiệp, chúng tôi thấy trên gương mặt họ vẫn ánh lên niềm tin vào một năm mới với nhiều thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ghi nhanh của Thái Uyên - Dương Hoàn