Sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm

28/11/2019 07:48 Số lượt xem: 2271
Hằng năm, nhân ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11) các khu dân cư trong tỉnh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây là dịp để các khu dân cư ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước trong mỗi người dân, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Từ năm 2003, thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. 16 năm qua, Ngày hội đã trở thành một dịp sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của bà con ở các khu dân cư trong tỉnh. Để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội ngày càng đổi mới. Ngày hội có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ ngày càng được tổ chức ngắn gọn, với các nội dung: Ôn lại lịch sử, truyền thống MTTQ Việt Nam, tổng kết thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong năm qua, phát động phong trào thi đua năm tới; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu và tặng quà hộ nghèo. Phần hội với các tiết mục văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương Kinh Bắc như: Đấu vật, kéo co, hát quan họ, hát tuồng,... Tại Ngày hội, các khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, tạo sự gắn bó trong cộng đồng. Đồng thời, Ngày hội là dịp để các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đây là niềm khích lệ, động viên to lớn đối với bà con để nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí, cùng nhau nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Các hoạt động văn hóa diễn ra tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm.Trong ảnh: Tiết mục “Trống hội” của CLB Văn hóa thôn Hộ Vệ, xã Lạc Vệ (Tiên Du) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.

 


Chúng tôi về thôn Hộ Vệ, xã Lạc Vệ (Tiên Du) khi thôn tưng bừng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Khắp các tuyến đường trong thôn rực rỡ cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu. Tại nhà văn hóa, gần 300 người dân đang theo dõi, thưởng thức tiết mục múa trống do CLB Văn hóa thôn biểu diễn. Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nguyễn Đình Sắc phấn khởi: “Nhiều năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân trong thôn. Năm nay, niềm vui của nhân dân thôn Hộ Vệ được nhân đôi bởi thôn đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa, hơn 94% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Đời sống của người dân được nâng cao, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,89%. Với những kết quả đạt được, thôn được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, Ngày hội năm nay thôn vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện về dự và chung vui với bà con”.
Những năm qua, để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Ban Quản lý và các Chi hội đoàn thể thôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ông Trần Văn Tân chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, khi thôn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, tôi và bà con trong thôn lại hội tụ đông đủ về nhà văn hóa để tham dự. Tại ngày hội, chúng tôi cùng nhau chia sẻ cách làm ăn, nuôi dạy con cái, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến với Chi ủy, Chi bộ, Ban Quản lý thôn để xây dựng thôn làng ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn”. 
Cũng như thôn Hộ Vệ từ đầu tháng 11 đến ngày 18-11, 100% khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: “Với việc các khu dân cư tổ chức Ngày hội đã góp phần tạo không khí phấn khởi, tươi vui, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, củng cố và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Đến nay, tỉnh có 89/97 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 4 đơn vị cấp huyện gồm Tiên Du, Gia Bình, Quế Võ và thị xã Từ Sơn hoàn thành mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới; thành phố Bắc Ninh được công nhận Đô thị loại I. Đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,62%. Hằng năm, toàn tỉnh có hơn 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 87% số khu dân cư đạt danh hiệu Làng văn hoá, Khu phố văn hoá. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm ổn định”.

Mai Phương