Sinh nhật Bác ở Trường Sa

25/05/2018 09:16 Số lượt xem: 3159
Con tàu Trường Sa HQ 571 đưa chúng tôi ra Trường Sa. Trời nắng vàng, gió nhẹ, biển xôn xao. Con tàu rẽ nước lướt băng băng. Đã một ngày trên biển. Không có gì vui hơn ở giữa đại dương mà không say sóng, tha hồ ngắm biển trời và xem tàu chạy. Càng vui, khách của phòng C12 tối nay là Chuẩn đô đốc, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa Nguyễn Đức Nho.

Đền thờ Bác Hồ trên đảo Trường Sa.

 

Anh Nho thông báo:

- Ngày mai sinh nhật Bác. Sáng thăm đảo Đá Lát, chiều đảo Trường Sa Lớn. Đoàn sẽ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Trường Sa. Tối giao lưu.

 

Con tàu Trường Sa HQ 571 đưa chúng tôi từ đảo Đá Lát sang đảo Trường Sa Lớn. Mặt trời đã lên cao. Gió nhẹ. Ở biển, bầu trời như cao và xanh hơn. Những dải mây trắng mỏng như tơ lững lờ trôi trên nền trời xanh thẳm. Biển xanh đen, trải ra trùng điệp. Trải đến vô cùng thì trời biển gặp nhau. Đó là chân trời, nhìn thấy mà không đi tới được. Tôi đưa máy ảnh lên nhằm phía vô cùng nơi mũi con tàu đang hướng tới.

Quá trưa thì tới đảo Trường Sa Lớn. Trụ sở thị trấn Trường Sa đặt trên địa phận đảo này. Đảo dài 630m, chỗ rộng nhất 300m và có diện tích chừng 0,15 km2, có tọa độ 8038’30” vĩ độ bắc, 111055’55” kinh độ đông, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) chừng 254 hải lí. Đảo kia rồi. Chân trời đội lên một nấm đen. Rồi giữa biển khơi trùng điệp màu chàm hiện ra hòn đảo nhỏ. Một rừng cây xanh bao trùm hòn đảo. Vượt lên trên màu xanh của cây, màu đỏ của những mái nhà, mái chùa là những cột điện gió có ở khắp đảo. Phía cuối đảo sừng sững ngọn hải đăng. Anh Nho cho biết, Trường Sa Lớn có giếng nước lợ, có thể dùng tắm giặt, tưới cây. Cây xanh chủ yếu là cây bàng vuông, phong ba, phi lao, xương rồng; thảm thực vật thì có muống biển, một số loài thân mềm. Khác với đảo chìm, Trường Sa Lớn có dân. Ở đâu có dân ở đó có chùa; có chùa là có hồn nước mình. Bộ đội không có bổn phận nào lớn hơn là bảo vệ và phụng sự nhân dân. Có ở Trường Sa mới cảm nhận hết ý nghĩa của tình quân dân như cá với nước. Những ngôi nhà, những người dân xa lạ vừa mới gặp nơi đây, đã như là quê hương và người thân anh bộ đội. Họ là anh chị, là các em, con cháu trong nhà. Anh bộ đội là thầy giáo hay bác sĩ, cũng là thợ cắt tóc, sửa nhà, chữa chuồng gà, chuồng lợn cho dân ở cái thị trấn đảo này. Cái vui buồn của mỗi người thành cái sở hữu chung. Cái chung đã nâng đỡ, gắn kết họ với nhau. Họ cùng vui khi ai đó vừa câu được con cá to cũng như chung nhau cái khắc nghiệt của đại dương hay nỗi nhớ đất liền. Thừa cái mặn mòi, nắng gió, nên họ cũng không thiếu cái khó khăn. Nhưng họ rất biết cách để vượt qua. Người ở đảo nổi tiếng là chăm chỉ. Đảo xanh quanh năm. Mùa nào thức nấy. Cây ăn trái thì có dừa, chuối, đu đủ và rau ăn thì có rau xanh; chăn nuôi thì có lợn, chó và gà vịt. Cái cơ bản là giải quyết được thực phẩm tươi sống cho người dân và bộ đội; có khi còn xuất khẩu sang cả đảo chìm nữa.

Trên tàu, khách đứng kín hai bên mạn, leo cả lên mui. Ai cũng muốn được ngắm nhìn Tổ quốc nơi đầu sóng. Một mảnh đất - một chấm xanh giữa đại dương xa xôi nhưng cũng rất gần gũi và thiêng liêng. Mảnh đất này chính là đất hương hỏa máu xương ngàn đời của cha ông truyền lại. Mỗi tấc đất ở nơi đây đều mang hồn dân tộc. Ai chẳng ao ước được tới một lần trong đời. Các thợ săn ảnh chen lên kiếm lấy một chỗ đứng trước hàng. Bên tôi, nhà báo, đại tá Hiếu Lễ ở Báo Quân khu 9, nhà báo Bảo Khuê ở Tạp chí Kiểm tra liên tục bấm máy và ghi chép.  

Tàu chầm chậm tiến vào cập cảng. Đó là cảng cá. Cảng vừa được xây dựng, cầu tàu vững chãi vươn ra biển. Theo định hướng tới năm 2020 cảng có thể đón được tàu có công suất 1.000 CV1 phục vụ 90 lượt tàu cá/ngày và tổng lượng thủy sản lưu thông qua cảng là 10.000 tấn/năm. Trên cầu tàu các chiến sĩ hải quân đã xếp hàng đứng đợi; nhiều chiến sĩ quân phục rằn ri mặc áo phao. Phía xa trước hàng cây, nổi bật tấm panô khổ lớn vẽ tranh cổ động mang dòng chữ “Quân dân huyện đảo Trường Sa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. Con đường bê tông từ cầu tàu vào đảo được xây dựng khang trang, hai bên vỉa hè được lát gạch và xây bồn trồng cây rất đẹp. Dưới tán cây râm mát, nhiều cư dân đảo xếp hàng đón khách, mấy chị còn bế theo con nhỏ. Chủ khách gặp nhau tay bắt mặt mừng, như người thân gặp người thân. Mấy anh chị vừa trên tầu xuống đã bế và có quà cho em bé. Thấp thoáng trong cây là những ngôi nhà trên đảo. Đi dưới tán những cây bàng vuông, cây phong ba cảm giác thật mát mẻ và thư thái. Bỗng tôi bắt gặp trên cành cao xanh, một chùm hoa đang nụ. Giữa chùm nụ tròn như những viên bi xanh, vài bông hoa trắng chúm chím trổ ra chùm nhụy tím. Anh bộ đội dẫn đường cho tôi biết đó là hoa bàng vuông. Hoa nở về đêm từng bông một, sáng ra thì cả chùm hoa đọng những giọt sương nom rất quyến rũ. Thợ săn ảnh xúm lại, cứ như chùm hoa là đối tượng họ đi tìm. Mấy anh lính trẻ nhanh nhẹn dẫn khách vào trung tâm đảo. Đây rồi. Chợt hiện ra khoảng không gian rộng lớn và một đường băng chạy suốt chiều dài của đảo. Trên đường băng bộ đội đã đứng xếp đội ngũ chỉnh tề đón khách. Lễ đón được tổ chức trọng thể, có chào cờ và diễu binh. Nhìn đoàn quân rầm rập dưới lá quân kỳ tung bay trong nắng ở Trường Sa, khóe mắt bỗng rưng rưng mà lòng thấy tự hào. Sau lễ đón, chúng tôi dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ tọa lạc ở vị trí trang trọng, trung tâm của đảo, được xây dựng theo phong cách truyền thống với mái cong. Trong nhà tưởng niệm đặt bức tượng toàn thân của Bác ngồi ung dung, thư thái; phía sau trên cao là biểu tượng búa liềm, sao vàng và dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chữ ký “Hồ Chí Minh” trên nền đỏ. Trước ban thờ đặt đỉnh trầm, hạc, lư hương và bài trí các đồ thờ khác; hai bên là câu đối. Câu đối là lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tôi ấn tượng các tủ trưng bày ảnh và các tư liệu về Bác Hồ trong nhà tưởng niệm. Đó là 8 tủ kính trưng bày nhiều hình ảnh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, như: Bến Nhà Rồng, tàu Đô đốc Latutsơ Tơrêvin, Tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác ở chiến khu Việt Bắc, Bác tươi cười đội mũ hải quân, Bác với các anh hùng chiến sĩ miền Nam...

Hôm nay 19 tháng 5. Mọi người xếp hàng kính cẩn dâng hương lên Bác. Đồ lễ không cầu kỳ, nhưng vẫn có hoa sen. Trong không khí trang nghiêm giữa làn khói hương trầm, Chuẩn đô đốc, Trưởng đoàn công tác Nguyễn Đức Nho rưng rưng báo cáo với Bác về hoạt động của Đoàn. Tôi tranh thủ ghi lại khoảnh khắc này. Trong mỗi người đều thấy trào dâng sự xúc động và thành kính, đan xen niềm hạnh phúc bất ngờ được kỷ niệm sinh nhật Bác ở Trường Sa, ngay trong Nhà tưởng niệm Người. Anh Nho đồng ý với tôi ở cái điểm này. Anh bảo, Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa có ý nghĩa rất quan trọng, đây là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Từ đó giúp mọi người nhận thức được trách nhiệm để sống, chiến đấu, học tập và làm theo lời Bác dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Nơi đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” của quân và dân trên đảo mà còn là điểm đến của mọi người khi có dịp đặt chân tới Trường Sa Lớn. Nhưng kỷ niệm sinh nhật Bác ở Trường Sa thì không phải ai cũng có được vinh dự lớn ấy.

Rồi quay sang thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa, anh nói:

- Có phải không đồng chí Hòa?

Anh Hòa báo cáo sáng nay đoàn quân, dân, chính, đảng của thị trấn đã dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Hiện giờ thì Đoàn thanh niên thị trấn đang chuẩn bị cho cuộc giao lưu tối nay giữa Đảo và Đoàn. Tôi thấy bên cột mốc chủ quyền, mấy anh bộ đội đang chuẩn bị sân khấu. Anh Hòa cho biết đó là quảng trường trung tâm, các hoạt động văn hóa của đảo đều diễn ra ở đây. Năm trước có cầu truyền hình đón Tết, cột mốc chủ quyền kia cũng là một điểm cầu. Công nghệ bây giờ làm cho đảo và bờ gần lại. Đang ở ngoài đảo xa mà cũng gặp gỡ và chúc Tết được gia đình ở quê nhà. Chưa bao giờ Tết đảo vui như thế. Với người đảo, cột mốc là chủ quyền, cũng là chứng nhân gặp gỡ đảo và bờ. Bao giờ cuộc gặp gỡ đảo và bờ cũng là sự kiện được chờ đợi và cảm động. Như tối nay, đảo và bờ lại nối vòng tay lớn. Cái duyên nào cho ta gặp nhau đây. Thì hát cho nhau nghe. Hát!... hát nữa đi anh… hát nữa đi em… Hát cho ngày dài và đêm thì ngắn lại. Dẫu có thức trắng đêm nay cũng không sao, chỉ cốt được gần nhau và hát với nhau. Càng về khuya cuộc vui càng đẩy lên cao trào. Tốp ca nam các anh bộ đội hát bài mới cải biên “Đêm Trường Sa nhớ Bác”. Như có chất men say quyến rũ, tiếng hát làm rạo rực lòng người. Tất cả đứng dậy vỗ tay cùng hát vang:

“Đêm Trường Sa. Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây. Cảnh về khuya như vẽ. Bâng khuâng, chúng cháu nghĩ, Bác như đã đến nơi này”.

Tháng 1 năm 2018

 

1. Chỉ mã lực. 1CV = 736w

Lê Khanh