Sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi: Cần nhiều sự quan tâm hơn nữa

19/04/2019 08:36 Số lượt xem: 3548
Sáng tác Văn học nghệ thuật (VHNT) cho thiếu nhi là một phần quan trọng trong sáng tác VHNT nói chung, góp phần không nhỏ vào nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của trẻ. Song, lĩnh vực này đang ở đâu, giữ vị trí nào và có đang thực sự được quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó?

Sáng tác cho thiếu nhi không dễ. Như chia sẻ của những văn nghệ sĩ đã và đang viết cho thiếu nhi thì để có được một tác phẩm, nhà văn, nhà thơ hoặc nhạc sĩ phải huy động trí tưởng tượng, phải sống lại bằng những thước phim kí ức chính tuổi thơ của mình, rồi còn phải có sự quan sát những biến đổi tinh tế của thế hệ thiếu nhi đương đại… Cũng không phải cứ bắt chước giọng điệu của trẻ con thì có tác phẩm cho thiếu nhi. Đây là hoạt động sáng tác chứ không phải đóng kịch. Cho nên, người viết sẽ phải gần như thoát khỏi con người lớn tuổi của mình để hòa vào cảm xúc, lối suy nghĩ trong sáng, hồn nhiên, phù hợp với tuổi hoa. Như thế, sáng tác cho thiếu nhi đã khó, để có tác phẩm hay lại càng khó hơn và để chạm được đến công chúng càng là thách thức với người cầm bút.

Cần thêm nhiều sự quan tâm đối với hoạt động sáng tác VHNT dành cho thiếu nhi.
Trong ảnh: Học sinh đọc truyện tranh tại Ngày hội sách năm 2019.

 

Dẫu vậy, nhìn tổng thể bức tranh VHNT cho thiếu nhi Bắc Ninh không quá ảm đạm với dấu ấn qua tên tuổi của một số tác giả, tác phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ cũng dành tâm huyết cho các em, viết cho các em bằng cả tấm lòng thương mến như: Mai Hoàng Hanh, Nguyễn Đức Thìn... Nhà văn Phạm Thuận Thành- một cây bút từng viết cho thiếu nhi với hai tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa cải cách trong chương trình lớp 3 hiện nay là Khí phách Đại Việt và Hội võ mùa xuân cho rằng: Riêng lĩnh vực văn học, hầu hết nhà văn đều dành thời lượng nhất định sáng tác cho thiếu nhi. Ở Bắc Ninh, có một số tác giả khá thành công như: Nguyễn Phan Hách, Duy Phi, Hữu Nhi… Hiện có cây bút gần như chuyên viết cho thiếu nhi là Mai Hoàng Hanh. Ngoài ra, một số tác giả như Hồng Kỳ, Nguyễn Đức Thìn, Nguyễn Công Hảo… cũng có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Như vậy lực lượng sáng tác khá đông đảo và còn có cây bút nổi trội.
Tuy nhiên, dường như các tác giả viết cho thiếu nhi của Bắc Ninh đang có dấu hiệu chững lại, thiếu những tác phẩm dài hơi có sức lôi cuốn. Thêm vào đó là sự sa sút, thưa vắng của những sáng tác mới mang hơi thở thời đại khiến công chúng có cảm giác lĩnh vực này đang là khoảng trống. Nói một cách thẳng thắn, rõ ràng các văn nghệ sĩ vẫn chưa thực sự đầu tư, chuyên tâm để có những tác phẩm lớn dành cho các em.
Trong khi đó, cách mạng khoa học kĩ thuật và công nghệ đang chi phối cuộc sống và cách sống của giới trẻ. Những vấn đề thuộc về trẻ từ văn minh công nghiệp, từ xu hướng toàn cầu hóa như phát triển nhanh về tâm sinh lí, nhạy cảm trước cái mới, phong phú thị hiếu... và cả những căn bệnh thời hiện đại như tự kỉ, lối sống hưởng thụ, đua đòi, bắt chước, non yếu về kĩ năng sống, bạo lực học đường... Rồi sự biến đổi môi trường sống khiến nhiều trẻ thơ chưa kịp sống với tuổi xanh của mình đã phải làm mẹ vì nạn ấu dâm… Thực tế cuộc sống cho các tác giả vô vàn gợi ý tươi mới mà nếu hứng bắt được, phản ánh một cách sinh động phần nào những “vỉa đời” ấy, hẳn độc giả nhí sẽ không mải chăm chú vào màn hình máy tính, smartphone, thậm chí người lớn cũng không dửng dưng với các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Công chúng đang rất mong mỏi nhìn thấy hơi thở cuộc sống đương đại với những góc nhìn mới, sự đa dạng văn hóa, tôn giáo… xuất hiện trong tác phẩm VHNT dành cho thiếu nhi hôm nay. Vậy làm thế nào để tạo ra được một phong trào viết cho thiếu nhi hiệu quả, thiết thực và lâu dài? Làm sao để có những tác phẩm VHNT thực sự níu kéo sự chú ý của các em, đồng hành, định hướng nhân cách bạn đọc nhỏ tuổi đương đại?... vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Ông Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ: Mảng sáng tác cho thiếu nhi thực sự đang rất thiếu, gần như là khoảng trống. Ngoài tác giả Mai Hoàng Hanh là cây bút chuyên viết cho thiếu nhi, còn lại một số tác giả khác chỉ gọi có quan tâm chứ chưa hẳn đã dành sự đầu tư. Để mở rộng lực lượng sáng tác, Hội đang có hướng phối hợp với ngành GD&ĐT và Tỉnh Đoàn để khuyến khích giáo viên cũng như học sinh tiếp cận với lĩnh vực sáng tác, vừa tạo nguồn đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ vừa làm phong phú mảng VHNT dành cho thiếu nhi.
Từ năm 2016 đến nay, Hội VHNT tỉnh mở các “Trại sáng tác tuổi hồng” dành cho học sinh THCS, THPT và thành lập các CLB Cây bút tuổi hồng ở một số trường học ở thành phố Bắc Ninh. Năm 2018, lần đầu tiên tổ chức giải thưởng Cây bút tuổi hồng thu hút sự tham gia của học sinh toàn tỉnh, chọn được 10 tác phẩm văn thơ xuất sắc trao giải. Tạp chí Người Kinh Bắc vẫn dành thời lượng nhất định để đăng tải các tác phẩm VHNT thiếu nhi, mỗi số đều tổ chức xây dựng chuyên trang của nhà trường…
Giới văn nghệ sĩ khẳng định rằng “VHNT thiếu nhi không bé nhỏ như tên gọi của nó” vì thế muốn phát triển số lượng và chất lượng tác phẩm VHNT thiếu nhi, cùng với nỗ lực tiếp cận thời đại mới của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người cầm bút cũng cần phải có sự quan tâm từ nhiều phía các tổ chức, cơ quan và toàn xã hội. Song nhìn lại thời gian cho thấy sự quan tâm dành cho VHNT thiếu nhi của Bắc Ninh mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, bề nổi. Thậm chí, đến một cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề để thẳng thắn nhìn nhận về lĩnh vực này cũng chưa có. Ngay như Giải thưởng Cây bút tuổi hồng vừa mới tổ chức năm trước thì năm nay lại bị cắt kinh phí nên cũng phải dừng lại… Vậy làm sao khích lệ được người viết? Sự quan tâm hời hợt, nửa vời như thế cũng khó có được tác phẩm chất lượng?!.

Bài, ảnh: V.Thanh