Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

09/08/2018 08:06 Số lượt xem: 1331
Trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ, tôi có dịp tìm hiểu về tấm gương vượt khó, làm giàu từ nghề mỹ nghệ truyền thống của Cựu Chiến binh (CCB), thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1958 ở khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh.

CCB Nguyễn Văn Sơn hướng dẫn thợ pha gỗ.

 

Cơ ngơi khang trang, tiện nghi cùng nhà xưởng rộng hơn 300 m2, với hệ thống máy cưa, đục, cắt, tiện hiện đại, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm giường, tủ, lan can cầu thang…, là thành quả lao động, sản xuất trong nhiều năm qua của CCB Nguyễn Văn Sơn. Hiện, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của bác Sơn không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động là đồng đội, con CCB trên địa bàn phường với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, riêng thợ tay nghề cao 15 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động được bác hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, sau một thời gian đã lành nghề, tự mở xưởng sản xuất tại gia đình.
Trong không khí cởi mở, bác Sơn cho biết: Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn có sự quan tâm giúp đỡ thiết thực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của địa phương cũng như sự động viên của người thân, đồng đội, hội viên CCB trong phường. Khi được gợi mở về những tháng ngày trong quân ngũ, bác Sơn như sống lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng đầy vẻ vang cùng đồng đội tại chiến trường biên giới phía Bắc ngày ấy. Cũng như nhiều lớp thanh niên trẻ ngày ấy, bác tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng và bị thương ở đầu, ngực trong một trận chiến đấu với kẻ thù vào đầu năm 1979. Tiếp tục phục vụ trong quân đội đến tháng 10-1982, trở về địa phương với những cơn đau do di chứng chiến tranh để lại, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng người thương binh ấy không hề nản chí mà ngược lại còn nỗ lực, quyết tâm hơn để phát triển kinh tế với nghề mộc truyền thống do cha ông để lại. Vốn liếng, mặt bằng sản xuất không có, bác quyết định vay vốn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, các đoàn thể ở địa phương gần 40 triệu đồng và thuê một phần diện tích của hàng xóm để mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, bác Sơn còn tích cực ủng hộ xây dựng các loại quỹ: Khuyến học, “nghĩa tình đồng đội”, “xóa đói giảm nghèo” và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, nhất là Hội CCB vững mạnh. Đặc biệt, năm 2014, phường có chủ trương mở rộng đường giao thông liên xã, bác đã tự nguyện hiến 34m2 đất của gia đình và đóng góp thêm kinh phí để bê tông hoá, tạo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân. CCB Nguyễn Văn Hoàn, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, đồng đội từng chiến đấu với bác Sơn cho biết: “Mặc dù mang thương tật trên mình, sức khỏe yếu nhưng Sơn là người có ý chí, nghị lực kiên cường để vươn lên và luôn sống trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội, hài hòa với mọi người, được anh em đồng đội, hội viên CCB và cán bộ, nhân dân địa phương trân trọng, tin yêu...”. 
Trao đổi với chúng tôi, bác Sơn bộc bạch: “Mình còn may mắn hơn các đồng đội là còn sống được trở về với người thân, vì vậy còn sức còn phải lao động, sản xuất để không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mặc dù có những lúc trái gió trở trời, vết thương tái phát, ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nghĩ tới đồng đội cùng sự động viên của người thân và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp là nguồn động lực lớn để bản thân vượt qua những khó khăn, trở ngại. Nếu sức khỏe cho phép, thời gian tới tôi dự định thuê diện tích tại cụm công nghiệp làng nghề Khúc Xuyên để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho con CCB trong phường…”.

Bài, ảnh: Hữu Thắng (Cổng TTĐT tỉnh)