Sân khấu truyền thống còn đó những đợi chờ…

22/09/2018 00:47 Số lượt xem: 2029
Trước sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, sân khấu nghệ thuật truyền thống đang bị đẩy vào “ngõ hẹp”. Sau 4 năm chờ đợi, Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII vừa diễn ra vào cuối tháng 8 nhưng khi tấm màn sân khấu hội diễn được kéo xuống thì điều đọng lại trong giới chuyên môn và người hâm mộ vẫn là những trăn trở…

Tại Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Bắc Ninh năm 2018, vở “Khúc khải hoàn bên dòng Như Nguyệt” của huyện Yên Phong được giới chuyên môn đánh giá cao về sự đổi mới trong dàn dựng.

Sẽ phải đợi 4 năm nữa mới đến kỳ Hội diễn tiếp theo để hy vọng được thấy những vấn đề của đời sống đương đại trên sân khấu và sự đổi mới, sáng tạo trong dàn dựng. Điều mong chờ lớn nhất là sự xuất hiện của lớp diễn viên kế cận, những gương mặt trẻ có đủ niềm say mê “gìn vàng giữ ngọc”. Thêm một đợi chờ quan trọng khác là chờ đến khi khán giả “bội thực” với những loại hình giải trí hiện đại sẽ trở về dành tình yêu với sân khấu truyền thống… Và chờ cả sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn từ phía các cấp, các ngành để những tài năng có môi trường thể hiện và có đủ niềm tin gắn bó, cống hiến gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống quý của quê hương.

Hội diễn thu hút gần 200 nghệ sĩ, diễn viên của 8 đoàn nghệ thuật không chuyên đến từ các huyện, thị xã, thành phố tham gia với 8 vở diễn, trong đó có 3 vở kịch nói “Nhà ngoại cảm” (thành phố Bắc Ninh), “Chồng ngoại” (Lương Tài), “Chuyện nhà anh Ấn” (Tiên Du); 3 vở chèo là “Trạng câm” (Gia Bình), “Lá thư của biển” (Thuận Thành), “Hoa không nở” (Quế Võ) và 2 vở tuồng lịch sử là “Trưng nữ vương đề cờ” (thị xã Từ Sơn), “Khúc khải hoàn bên dòng Như Nguyệt” (Yên Phong). Mỗi vở diễn là một câu chuyện mang chủ đề khác nhau như phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; ca ngợi gương điển hình trong lao động sản xuất, trong các quan hệ xã hội, ý thức chấp hành pháp luật; lên án phê phán hiện tượng tiêu cực, thói hư tật xấu trong xã hội… Đây cũng là dịp để những “diễn viên, nghệ sĩ nông dân” trong tỉnh lại được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và cổ vũ động viên nhau.
Tổng kết hội diễn sân khấu không chuyên năm nay, BTC đánh giá có sự tiến bộ vượt bậc, hầu hết các vở diễn đều đáp ứng quy mô và chất lượng nghệ thuật, tạo hiệu ứng tốt đẹp trong lòng khán giả. Một số tác phẩm có sức thuyết phục cao, phát hiện và lý giải những vấn đề, mâu thuẫn trong đời sống xã hội. Bằng ngôn ngữ đặc trưng của sân khấu, các vở diễn xây dựng được hệ thống nhân vật, cốt truyện chặt chẽ, khán giả phần nào chạm được đến thông điệp của tác phẩm.  Có vở diễn sử dụng kịch bản cũ song bằng cách nhìn mới đã có những tìm tòi, sáng tạo và thổi vào kịch bản hơi thở của thời đại, tạo ra tác phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao…
Tuy nhiên, phía sau những “mỹ từ” đó, giới chuyên môn cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như một số vở thiếu đầu tư, tìm tòi, không có đổi mới và sự sáng tạo nghệ thuật, tính cách nhân vật mờ nhạt, giải quyết mâu thuẫn chưa thuyết phục. Có vở không rõ mảng miếng, không thắt nút, mở nút, thiếu tính xung đột, cao trào. Trang trí sân khấu mang nặng tính tả thực hơn tả ý… Nhìn chung, hội diễn có ít vở diễn hay, đa phần dựng lại kịch bản cũ, thậm chí có những vở chèo mới nhưng sử dụng kịch bản từ cách đây hàng chục năm thế nên nội dung câu chuyện lạc hậu, nhàm chán. Cũng có vở diễn dựng theo kiểu góp nhặt kịch bản trên mạng, đạo diễn nghĩ đến đâu, chỉ diễn viên diễn đến đó, vì thế nội dung tư tưởng của tác phẩm chưa bật được lên…

Một cảnh trong Vở diễn “Trưng nữ Vương đề cờ” của thị xã Từ Sơn tại Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Bắc Ninh năm 2018.

Nguyên nhân không phải diễn viên, nhạc công không chuyên kém, thậm chí một số cá nhân diễn ngang ngửa với diễn viên chuyên nghiệp. Song có lẽ, cái quan trọng nhất là khán giả chưa được thấy những vấn đề họ đang quan tâm lên sàn diễn. Kịch bản tuy có sáng tác mới nhưng cách thể hiện chưa thuyết phục những vấn đề đặt ra trong cuộc sống đương đại. Lực lượng tác giả, đạo diễn vẫn là những tên tuổi đã quen thuộc từ hàng chục năm nay như Nguyễn Công Hoan, Lê Minh Xuyến, Nguyễn Xuân Sách… Họ đều là những người tài năng và có kinh nghiệm, tiếc rằng tuổi ngày một cao nên khó thoát khỏi phong cách dàn dựng vốn đã được định hình qua năm tháng. Trong khi đó, thế hệ diễn viên có khả năng làm chủ sân khấu phần lớn đều có tuổi, thiếu vắng người trẻ cho nên có nghệ sĩ vừa làm thầy vừa phải làm thợ…
Qua hội diễn cũng thấy lửa nghề, lòng nhiệt huyết của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên không chuyên vẫn còn rất sung sức. Trước bộn bề những khó khăn, các nghệ sĩ, người tâm huyết vẫn đang nỗ lực vực dậy nghệ thuật truyền thống để sân khấu được đỏ đèn. Nhưng sau khoảng mươi năm, khi lớp nghệ sĩ, diễn viên này tuổi cao, sức yếu hỏi còn ai để diễn Chèo, diễn Tuồng…
Làm thế nào để khán giả không quay lưng với sân khấu truyền thống và để người trẻ yêu nghệ thuật Chèo, mộ Tuồng? Tất cả vẫn đang là một sự chờ đợi…

Bài, ảnh: Việt Thanh