Quyết tâm về đích đúng hẹn

23/02/2020 17:29 Số lượt xem: 1359
Năm 2019 đi qua, với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố không thuận lợi, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm,căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn không có dấu hiệu giảm, kinh tế trong nước đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thời tiết diễn biến khó lường, chăn nuôi liên tiếp bị dịch bệnh, ô nhiễm môi trường chưa được xử lý tốt, giải ngân đầu tư công đạt thấp đã tác động đến kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng.

Song với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” tỉnh Bắc Ninh cùng với cả nước đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng; trong đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng đều đạt hoặc vượt mức đề ra. Để phát huy kết quả đạt được, tập trung tạo đà tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020.

Nhiều chỉ tiêu cho kết quả khả quan
Theo số liệu từ Cục Thống kê công bố, năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giá so sánh năm 2010 đạt 119.832 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm trước, tuy có mức tăng trưởng không cao song với quy mô nền kinh tế đứng thứ 7 cả nước, cộng hưởng nhiều yếu tố tác động tiêu cực từ bên ngoài thì mức tăng trưởng dương như vậy theo nhiều chuyên gia là có thể chấp nhận được. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh năm 2019, đạt 70,24 nghìn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 62,97 tỷ USD (trong đó xuất siêu 7,052 tỷ USD với nhiều mặt hàng đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước như: Điện thoại và linh kiện, xuất khẩu đạt gần 28,4 tỷ USD;sản phẩm Máy tính và linh kiện, xuất khẩu đạt 5,44 tỷ USD); tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 48,245 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 29,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 6,7% so với cùng kỳ; giá cả thị trườngđược kiểm soát tốt, chỉ số giá bình quân cả năm tăng ở mức thấp 2,92% so với cùng kỳ; An sinh xã hội đúng nhóm dẫn đầu cả nước với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27%, giải quyết việc làm mới cho trên 27 nghìn lao động… Các chỉ số trên là minh chứng cho sự phát triển mạnh và bền vững của kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Ninh. Đáng chú ý là tỉnh ngày càng hội nhập sâu rộng và phát huy các tiềm năng, sự năng động, tận dụng tốt lợi thế so sánh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh vào phục vụ phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2019, Bắc Ninh thu hút thêm 218 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoàivào đầu tư mới với số vốn đạt trên 817 triệu USD, ngoài ra toàn tỉnh còn có 2.398 doanh nghiệp và 700 đơn vị trực thuộc được thành lập mới, với số vốn đăng ký 22,214 nghìn tỷ đồng...
Để đạt được kết quả tích cực đó, thời gian qua, tỉnh đã duy trì được tốc độ cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và hiện đứng trong tốp các địa phương có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2019 cũng là minh chứng cho sức hấp dẫn của Bắc Ninh trong hoạt động thu hút nguồn lực cho tăng trưởng. Đây là hành trang quan trọng và có ý nghĩa tạo đà, thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp là lực lượng đóng góp vào kết quả tăng trưởng và cũng được thụ hưởng kết quả cải cách, hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương có kết quả thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế đạt cao như: Thành phố Bắc Ninh; Huyện Yên Phong; thị xã Từ Sơn...
Bứt phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm
Năm 2020, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 224/NQ-HĐND (ngày 05-12-2019) của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh. Trong đó có mục tiêu GRDP tăng 7,0% so với năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 65 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu 36 tỷ USD và nhập khẩu 29 tỷ USD; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 75,8 nghìn tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 29,326 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22,756 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2%...
Để hoàn thành các mục tiêu kể trên, tỉnh xác định rõ những thách thức cần hóa giải ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Đó là chủ động phòng chống và kiểm soát có hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid 19); Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, giảm mạnh tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hoặc rút khỏi thị trường; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp mở rộng liên kết, tiếp thu công nghệ mới và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, coi xuất khẩu là động lực tăng trưởng. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc mời gọi đầu tư vào Khu công nghệ Yên Phong II-C vừa được Tổng công ty Viglacera tiến hành ngay trong ngày đầu ra quân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, với quy mô 221 ha và tổng mức đầu tư 2.234 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1139/QĐ - TTg ngày 11/9/2018. Cùng với đó, đôn đốc các chủ đầu tư khác hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp tập trung để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho doanh nghiệp... Cùng với đó, năm 2020, tỉnh Bắc Ninh cũng cần tập trung cải thiện một số chỉ số thành phần còn có hạn chế về thứ hạng so với cả nước như: Tính minh bạch (hiện xếp thứ 53); Chi phí không chính thức (hiện xếp thứ 51); Cạnh tranh bình đẳng (hiện xếp thứ 44); Gia nhập thị trường; Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự (hiện xếp thứ 40)... để giữ vững phong độ cũng như cải thiện vị trí trong PCI. Trong bối cảnh diễn biến thương mại toàn cầu còn những phức tạp nhất định, tỉnh cũng cần chủ động tận dụng “cơ hội vàng” về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) vừa ký kết để cơ cấu lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, đầu tư, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống... đảm bảo cho nền kinh tế của tỉnh có thể phát triển bền vững... Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng chủ động bước vào năm mới với khí thế mạnh mẽ như: Nhà máy sữa Tiên Sơn chỉ sau 2 tháng đầu năm giá trị sản xuất đã tăng trên 30,2% so với cùng kỳ năm trước; hay Công ty TNHH Nokia Việt Nam, 2 tháng đầu năm cũng đã có giá trị sản xuất tăng 13,53% so với cùng kỳ năm trước, đặt biệt công ty TNHH Samsung Display một đơn vị chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, sau 2 tháng đầu năm đã có giá trị sản xuất tăng 36,98% so với cùng kỳ năm trước...
Với những giải pháp, sự điều hành của tỉnh cùng sự nỗ lực, năng động của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, cùng với những tín hiệu lạc quan của một số doanh nghiệp lớn nói trên, hy vọng, kinh tế tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng và về đích đúng kế hoạch của năm 2020.

Khổng Văn Thắng