Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

31/03/2023 21:18 Số lượt xem: 1536
Kể từ khi đổi mới đến nay, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được xem là một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong đó có Bắc Ninh, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo việc làm cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với gần 36,3 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 438,7 tỷ USD.

Tại Bắc Ninh có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, với 1.842 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần và phần góp vốn đạt hơn 23,65 tỷ USD (chiếm gần 5,4% vốn FDI cả nước). Một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam những năm qua là nhờ chính sách ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, tới đây, thuế hấp dẫn sẽ không còn là lợi thế khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, được hơn 140 quốc gia (gồm cả Việt Nam) đồng thuận. Theo Quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%, có nghĩa khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Các kế hoạch về một mức thuế tối thiểu của toàn cầu, dự kiến sẽ bao phủ lên đến 8.000 công ty đa quốc gia, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại Bắc Ninh (Samsung, Canon, Foxconn…).
Khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Triển khai thuế tối thiểu toàn cầu không chỉ tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng, mà còn góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa, hoặc giảm đáng kể. Điều này tác động lớn đến việc thu hút đầu tư FDI, nhất là các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, dù là nhóm nước đi đầu tư hay nhận đầu tư, các kịch bản áp dụng nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 đang được khẩn trương và ráo riết chuẩn bị. Trước bối cảnh mới, việc sớm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để Việt Nam không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời bảo đảm sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư là yêu cầu cấp bách được đặt ra. Nếu chậm trễ, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh đi trước một bước, Việt Nam có thể bị “bỏ lại phía sau” trong việc thu hút FDI.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại không còn được hưởng lợi ích ưu đãi thuế hiện hành, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định Thành lập Tổ công tác đặc biệt để tìm cách duy trì tính cạnh tranh cho các nhà đầu tư khi các quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD có hiệu lực. Việc cân nhắc các chính sách khác nhằm bảo đảm được những ưu đãi theo luật cũng như những cam kết với doanh nghiệp trước đó để giữ dòng vốn và thu hút đầu tư mới là một trong những giải pháp cấp bách hiện nay khi mà chỉ còn 9 tháng nữa Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên cùng với các quyết sách của Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh cần quyết liệt hơn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo lợi thế để hấp thụ dòng vốn FDI, cũng như đưa ra những cải cách hợp lý để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.

Thái Uyên