Quê hương biết mấy tự hào

19/10/2018 09:40 Số lượt xem: 1858
Quê hương Bắc Ninh vinh dự và tự hào được Bác Hồ về thăm 18 lần. Mỗi lần về thăm, Bác đều căn dặn cán bộ, đảng viên, nhân dân đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất văn hiến, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) được phục dựng tôn nghiêm, tố hảo và trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống quan trọng của cả nước.

 

 


Trong số 18 lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh thì Đình Bảng (Từ Sơn) - đất phát tích vương triều Lý cũng là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam được vinh dự đón Bác 4 lần. Lần đầu tiên ngày 13-9-1945, Bác về Đền Đô dâng hương tưởng nhớ công ơn của Lý Bát Đế và thăm hỏi đồng bào. Đến lần thứ tư ngày 17-12-1955, Bác về Đình Bảng dự “Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc-Bắc”. Nhân dịp này, Bác đến thăm Đền Đô nhưng ngôi đền lịch sử không còn nữa do bị Thực dân Pháp phá hủy năm 1952. Giữa khu phế tích Đền Đô năm ấy, Bác Hồ biểu dương tinh thần hi sinh chiến đấu giữ làng, giữ nước của nhân dân ta. Bác đã thấy trên nền ngôi đền đổ nát còn tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” ghi chép lịch sử triều Lý do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1604. Bác xem rồi dịch nghĩa những chữ còn lại cho mọi người nghe và nhắc nhở người dân phải bảo tồn di sản văn hóa của ông cha để lại. Khi có điều kiện, Chính phủ và nhân dân ta sẽ xây dựng lại Đền Đô thờ Lý Bát Đế.
Khắc ghi lời Bác dạy, trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, nhân dân Bắc Ninh luôn ý thức trân trọng bảo tồn và phát huy hiệu quả kho tàng di sản văn hóa quý giá của vùng đất văn hiến, cách mạng. Đến nay, kho báu di sản văn hóa Bắc Ninh đang có hơn 1500 di tích được kiểm kê để bảo tồn, trong đó có 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 194 di tích Quốc gia, 375 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có 8 nhóm bảo vật Quốc gia, hơn 500 lễ hội truyền thống, hơn 60 làng nghề thủ công và đặc biệt có 2 di sản văn hóa phi vật thể thế giới là Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù…
Cùng với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của nhà nước, nhân dân các làng xã, phường, thị trấn đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cùng nhiều công sức cho việc tu bổ, sửa chữa, tôn tạo những di tích bị xuống cấp, phục dựng lại các công trình có giá trị đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nhiều công trình phục dựng khang trang, tố hảo theo quy mô kiến trúc xưa như: Đền Đô - nơi Bác Hồ đến thăm 2 lần và căn dặn khi có điều kiện sẽ xây dựng lại. Một số công trình tiêu biểu khác như chùa Phật Tích, chùa Tam Sơn, Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dạm, khu di tích đền thờ Lý Thường Kiệt… Đến nay, hầu như làng xã nào của Bắc Ninh cũng có những công trình đền, đình hoặc chùa được tu bổ, xây dựng khang trang, vừa là nơi bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở cơ sở như lễ hội, đình đám…
Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể cũng được các thế hệ nối tiếp bảo tồn với nhiều hoạt động phong phú. Nổi bật nhất là hơn 500 lễ hội truyền thống được nhân dân hầu khắp các làng xã trong tỉnh khôi phục và duy trì, phát huy, tạo cho miền đất Bắc Ninh rực rỡ sắc màu, hấp dẫn du khách muôn phương nô nức trảy hội miền Quan họ -“ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Những nghề và làng nghề thủ công của Bắc Ninh cũng vẫn được bảo tồn, phát huy với nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt trình độ cao, được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng như gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ; đồng Đại Bái, Quảng Bố; gốm mỹ nghệ Phù Lãng; tre trúc Xuân Lai… Từ đó, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh đồng thời thể hiện sự năng động, tài hoa, sáng tạo của người Bắc Ninh đương đại.
Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian tưởng chừng bị thất truyền trong nhiều thập kỷ do chiến tranh và khó khăn của thời bao cấp nhưng vẫn được người Bắc Ninh lưu giữ để khi có điều kiện phục hồi và phát triển trở lại. Tiêu biểu như nghệ thuật Múa rối nước, hát Trống quân, Tuồng, Chèo, Ca trù… và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại vào năm 2009. Với hơn 500 bài ca và 213 làn điệu, Dân ca Quan họ đã kết tinh bản sắc văn hóa của con người Bắc Ninh trong truyền thống và đương đại. Những làn điệu, lời ca Quan họ không chỉ thể hiện tinh thần, triết lý, bản sắc, cốt cách của người Kinh Bắc mà “nghề chơi” còn giúp thắt chặt mối quan hệ trong làng, giữa các cộng đồng và đến nay còn kết nối với cả thế giới bởi những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc như “Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm” hay “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy là bốn biển nhưng sinh một nhà…”.
Thành tựu đáng trân trọng nhất và cũng là điều mà bất cứ nền văn hóa nào cũng vươn đến chính là tình người, là tính nhân văn, là lối sống và những ứng xử cao đẹp giữa người với người, giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội xung quanh. Giống như bãi cát sau cơn rút của thủy triều. Cái đáng quý nhất không phải là những thứ phơi bày trên mặt cát mà đó là vị mặn của biển cả đã âm thầm tẩm vào lòng cát. Văn hóa Bắc Ninh cũng hệt như thế. Phía sau những con số của hệ thống di sản đồ sộ thì cái đáng quý hơn chính là “chất Kinh Bắc” - một thứ tinh chất quý giá, ăm ắp tình người, một bản sắc Bắc Ninh đẫm đầy tinh thần Việt. “Chất Kinh Bắc” ấy không thể sờ nắm nhưng bất cứ ai cũng có thể cảm nhận và trân trọng. Đó là điều tự hào của hết thảy người dân Bắc Ninh cả trong truyền thống và đương đại.
Thời gian quả thực đã làm biến cải một số thứ nhưng truyền thống nghìn năm văn hiến của miền đất Bắc Ninh địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa, yêu nước và cách mạng thì mãi mãi bất biến. Như những mạch ngầm truyền lại trong dân gian, kho báu di sản văn hóa quê hương Bắc Ninh sẽ tiếp tục được các thế hệ bồi đắp, nhân lên, phát huy trong công cuộc xây dựng đời sống mới hôm nay.
 

 

Bài, ảnh: Thuận Cẩm