Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em

05/06/2023 20:23 Số lượt xem: 1108
Nhịp sống hiện đại với guồng quay hối hả, nhiều áp lực, sự bùng nổ mạng xã hội… là một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các rối loạn về sức khoẻ tâm thần. Rối loạn về sức khoẻ tâm thần có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, trong đó có trẻ em, song vấn đề này hiện chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức, dẫn đến con trẻ bị bỏ qua giai đoạn vàng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị về sau.

Bệnh nhi 12 tuổi bị chậm phát triển tâm thần được điều trị tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần tỉnh.

 

Chị Thuý ở huyện Tiên Du đi chăm con trai 12 tuổi điều trị tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần tỉnh kể: “Con đang học lớp 6 nhưng năm nào cũng phải xin được lên lớp. Từ lúc còn nhỏ, khi mới biết nói thì con đã nói liên thiên rồi nhưng cả tôi và bố cháu đều mong cháu lớn lên sẽ đỡ dần, nhưng không phải vậy. Giờ cháu cũng biết đọc, biết viết, hỏi tên, tuổi cháu trả lời được, nhưng chỉ câu trước câu sau lại nói linh tinh”.
Cách đó một giường bệnh là bé gái 15 tuổi ở thành phố Từ Sơn. Bà của bệnh nhi cho biết vì thấy cháu có biểu hiện căng thẳng thần kinh do áp lực của kỳ thi sắp tới như: Không nói chuyện, không muốn gần ai hay không vừa lòng điều gì là đâm đầu vào tường nên đưa cháu đến khám và được cho nhập viện.
Ở phòng bệnh bên cạnh là hai bà cháu quê ở Lương Tài. Theo bà ngoại của bệnh nhi, cháu bé 12 tuổi là con của người mẹ bị tâm thần, do bị lạm dụng tình dục dẫn đến mang thai và sinh ra cháu: “Đúng lịch thì cháu phải đi khám, lấy thuốc từ trước Tết, nhưng do bận để quá hạn nên cháu đập phá đồ đạc, bát đũa, cửa kính vỡ lung tung cả. Cháu lớn từng này rồi nhưng chẳng biết gì, tôi phải rèn suốt ngày để cháu nhớ được tên, tuổi, chỗ ở để nhỡ có đi lạc, người ta hỏi còn biết nói”.
Trên đây là 3 trường hợp bệnh nhi điều trị các rối loạn về sức khoẻ tâm thần tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần tỉnh tại phòng bệnh được lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 thăm, khảo sát tình hình trong chương trình tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số rối loạn tâm thần trẻ em” được tổ chức mới đây. Theo bác sĩ CKII Trần Xuân Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách điều hành đơn vị, tỷ lệ trẻ em mắc/ nghi mắc các rối loạn về sức khoẻ tâm thần đến khám, điều trị tại Bệnh viện chiếm khoảng xấp xỉ 10% tổng số bệnh nhân. Do chưa có đơn nguyên điều trị chuyên biệt cho trẻ em, chỉ những bệnh nhân nặng mới có chỉ định nhập viện và được xếp vào khoa điều trị rối loạn cảm xúc, ở chung phòng với bệnh nhân người lớn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, rối loạn lo âu là rối loạn phổ biến nhất trong các rối loạn tâm thần ở trẻ em và vị thành niên. Đây là một nhóm các rối loạn bao gồm: Rối loạn lo âu chia ly, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan toả, rối loạn stress sau sang chấn. Trẻ có thể mắc một hoặc nhiều loại rối loạn lo âu ở cùng một thời điểm. Bệnh nguyên của lo âu có thể do nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý. Nhân cách, khí chất có hướng lo âu, các stress tâm lý do môi trường gia đình, trường học có các nhân tố không thuận lợi làm cho các nhu cầu cơ bản của trẻ bị thiếu hụt (bị bỏ rơi, bị đánh mắng… phải chịu những tác động gây căng thẳng thần kinh tâm thần như chia ly, gia đình mâu thuẫn, bố mẹ ly thân, ly hôn, học tập quá sức…) tạo điều kiện thuận lợi cho rối loạn lo âu phát triển.
Trong khi đó, trầm cảm là rối loạn chiếm khoảng 3-5% ở trẻ em và phổ biến hơn ở trẻ vị thành niên (14-25%). Bệnh này có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đến thể chất và phát triển, thành tích học tập, mối quan hệ gia đình và bạn bè, có thể dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát. Mặc dù căn nguyên chưa được xác định rõ ràng, nhưng các yếu tố sinh học và tâm lý xã hội là nguy cơ của rối loạn trầm cảm bao gồm tiền sử gia đình, gen, giới tính nữ, tiền sử bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng tình dục, các sự kiện sang chấn tâm lý trong cuộc sống và bệnh lý mạn tính. Bên cạnh đó, khi nhắc đến các rối loạn về sức khoẻ tâm thần trẻ em còn phải nhắc đến rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn tự kỷ, chậm phát triển tâm thần.
Sức khoẻ là tổng hoà ba thành phần: Sinh học - tâm thần - xã hội. Từ trước tới nay, phần lớn mọi người chỉ chú trọng về sức khoẻ thể chất mà bỏ qua cấu phần rất quan trọng là sức khoẻ tâm thần và sức khoẻ xã hội. Không ít trường hợp phụ huynh có hiểu biết chưa đúng về các rối loạn tâm thần trẻ em, ngay cả khi con trẻ có những biểu hiện khá rõ ràng. Từ việc hiểu sai tình trạng sức khoẻ tâm thần của trẻ dẫn đến khi được phát hiện thì đã muộn, do đó hiệu quả điều trị thấp.
Bác sĩ Trần Xuân Ngọc cho biết, theo các báo cáo, nghiên cứu, các rối loạn về sức khoẻ tâm thần ở trẻ em ngày càng gia tăng có một phần do sự bùng nổ mạng xã hội, trẻ em sử dụng điện thoại, chơi game nhiều, áp lực học hành, thành tích… Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo ngay khi thấy con có bất thường như: Thiếu hoà hợp, khó hoà nhập với môi trường xung quanh, trẻ gây khó chịu cho trẻ xung quanh… cần đưa đi khám để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Lớp tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số rối loạn tâm thần ở trẻ em vừa được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho đội ngũ y, bác sĩ là cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần, cán bộ chuyên trách về Sức khoẻ tâm thần tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề để triển khai tích cực, hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ sức khoẻ ban đầu tại cơ sở bằng việc sàng lọc, tư vấn chính xác hơn cho những đối tượng nghi ngờ. Dự kiến trong năm 2023, Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần tỉnh sẽ triển khai Đơn nguyên chuyên biệt thuộc khoa Phục hồi chức năng để chuyên điều trị các rối loạn tâm thần ở trẻ em.

Việt Hoa