Quan họ Y Na nặng nghĩa, nặng tình

24/03/2020 20:36 Số lượt xem: 2653
Khu Y Na, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) trước đây vốn là một làng cổ có tên gọi Ỷ Na với cuộc sống thanh bình, yên ả mang nét đặc trưng riêng của làng quê. Hôm nay, Y Na đã phát triển mạnh mẽ, hiện đại, dù vậy, người dân nơi đây vẫn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống quý báu, đặc biệt là văn hóa Quan họ.

Hai cụ Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Tấn là cặp liền chị tiêu biểu của Quan họ Y Na.

Chúng tôi đến thăm nhà cụ Nguyễn Thị Nhã, 85 tuổi và cụ Nguyễn Thị Tấn, 81 tuổi để hiểu hơn về làng Quan họ cổ Y Na. Khi nhắc đến Quan họ, những dòng ký ức về một thời tuổi trẻ say đắm cứ ăm ắp hiện về, như một thứ men sẵn có trong người, chưa cần đề nghị hai cụ đã cùng ca lên câu Quan họ: “Người bao nhiêu tuổi hỡi người/Độ đôi mươi tuổi miệng cười nét hoa/Tóc mây xanh tốt rườm rà/Môi son mắt phượng mày ngà tốt tươi/Nay là sáng hôm nay/Em mong mỏi đôi người/Mong sao thấy mặt được người tiên cung…”. Những câu ca khiến hai cụ thêm cởi mở khi trò chuyện với chúng tôi về Quan họ. Quan họ Y Na có những đặc điểm riêng khác với các làng trong vùng. Đó là sự phân chia các nhóm Quan họ theo giáp chứ không chia theo bọn như: Nhóm Quan họ giáp Bắc, giáp Đông, giáp Đoài… Quan họ Y Na kết nghĩa anh em với Quan họ Bồ Sơn, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) đã qua bao đời.

Tương truyền vào đời vua Hùng thứ sáu, có một bà lang thuốc người Thanh Hóa đến trang ấp Ỷ Na, thấy dân tình ở đây đang bị dịch bệnh, người chết nhiều, bà đã bốc thuốc chữa cho người dân khỏi bệnh không lấy tiền. Một hôm, bà đang ngủ trưa, mơ thấy một đám mây hồng rơi xuống nhập vào, bà mang thai và sinh ra bọc có năm trứng, nở ra năm người con trai. Tưởng nhớ công ơn chữa bệnh cứu giúp, nên dân làng gom góp lương thảo giúp bà nuôi nấng đàn con. Năm cậu bé lớn nhanh như thổi, đến khi có sứ giả triều đình đi qua kêu gọi người hiền tài ra giúp nước đánh đuổi giặc Ân, bà liền cho cả năm người con đi theo Thánh Gióng. Giặc tan, cả năm người con của bà được nhà vua ban phát đất đai, giao cai quản, nhằm thưởng cho công lao dẹp giặc. Một trong năm người con của bà là Hắc quan Quý Minh xuống trông giữ vùng đất làng Bồ nay là Bồ Sơn, phường Võ Cường. Đây được coi là một trong những lý do để hai làng Y Na-Bồ Sơn kết nghĩa anh em và cùng suy tôn nhau làm anh cả, bởi họ không biết trong 5 người con của bà ai là anh, ai là em xuống cai quản làng Bồ và tại đình làng Y Na vẫn còn sắc phong triều Nguyễn ghi danh năm vị thành hoàng làng chính là 5 người con của bà lang người Thanh Hóa.
Hàng năm làng Y Na mở hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Trước khi mở hội làng têm trầu cánh phượng cử người đi mời Quan họ các làng, đặc biệt là mời Quan họ anh em Bồ Sơn. Ngày hội đến, các bậc cao niên trong làng cùng trống giong cờ mở đi đón Quan họ Bồ Sơn. Đoàn Bồ Sơn cũng đủ các vị chức sắc trong làng cùng các liền anh liền chị Quan họ tiêu biểu đi lên có ngựa hồng đẩy trên xe đến hội Y Na. Họ đón nhau ở đình làng cùng thắp nhang và ra chùa lễ phật, dân làng Y Na từ già đến trẻ đón anh em Bồ Sơn hết sức quý trọng như những người ruột thịt. Hết ba ngày hội làng, mồng 9 tháng Giêng, đoàn ngựa hồng của Bồ Sơn đi trước cùng đoàn ngựa bạch của Y Na cùng kéo về dự hội làng Bồ Sơn hết ngày 11 tháng Giêng thì mới chia tay nhau.
Cũng như lễ hội khác ở các làng Quan họ, sau phần lễ là phần hội ở làng Y Na có hát Quan họ là đặc điểm nổi bật nhất được nhân dân mong chờ. Quan họ Y Na và Bồ Sơn trải chiếu hát canh thâu đêm suốt sáng ba ngày ba đêm họ mới chia tay nhau. Một nét đặc biệt là Quan họ Y Na chỉ hát canh với Quan họ Bồ Sơn, đi nơi khác họ chỉ hát giọng vặt, không hát canh, vì quan niệm “anh em với nhau” thiêng liêng, sâu nặng nghĩa tình mới hát canh.
Ngoài hát Quan họ, xưa Y Na còn có hát ả đào, hát trống quân. Cụ Nguyễn Thị Tấn kể lại: Xưa cứ đến hội làng là đào một cái hố nhỏ, úp cái thau đồng lên, căng dây ở giữa đóng cọc hai bên, giữa dựng một cây nhỏ căng lên làm mặt dây trống rồi hát “Anh là con trai Y Na/Anh đi lễ hội ra đây tìm người/Người rằng người có lấy tôi/Vào đây cùng hát một hồi trống quân…”. Ngày nay loại hình văn hóa dân gian hát ả đào và trống quân ở đây không còn nhưng hát Quan họ thì vẫn được lưu truyền, gìn giữ. Hiện CLB Quan họ Y Na có hơn 30 thành viên có độ tuổi từ 15 đến 85 tuổi, trong đó số người ở độ tuổi trung niên chiếm đến 70%. Một tuần CLB sinh hoạt hai lần tại đình làng, các thành viên tập luyện hát Quan họ đối đáp, câu Quan họ cổ nào chưa rõ họ lại được hai cụ Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Thị Tấn chỉ bảo tận tình để câu ca được “vang, rền, nền, nảy”. Xưa Quan họ Y Na với những liền anh, liền chị nổi tiếng như cụ Sáu Huyền, cụ Bùi Văn Vinh, Vũ Văn Chích… Cụ Sáu Huyền ở Y Na còn sáng tác những câu mới, những bài đối có tiếng trong các làng Quan họ. Lớp nghệ nhân Quan họ Y Na xưa giờ đã về cõi vĩnh hằng, nay chỉ còn hai cụ Nhã và Tấn vẫn hàng ngày dìu dắt, chỉ dạy thế hệ sau những câu Quan họ cổ. Tiếc rằng đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng hai cụ vẫn chưa được công nhận là nghệ nhân Quan họ.
Cho đến ngày nay, tình anh em giữa Quan họ Y Na và Bồ Sơn vẫn gắn bó keo sơn. Vào ngày hội làng mồng 6 và mồng 9 tháng Giêng, Quan họ hai khu phố lại gặp nhau tổ chức canh hát đối đáp, đây là gốc rễ cơ bản để hai làng cùng gìn giữ và phát huy vốn Quan họ cổ cha ông truyền lại.

Minh Hường