Quan họ Lũng Giang thêm sức sống mới

12/02/2019 08:35 Số lượt xem: 2460
n Giữa ồn ào náo nhiệt của thị trấn Lim (Tiên Du), tiếng hát Quan họ của CLB Quan họ làng Lũng Giang vẫn đều đặn vang lên tại nhà chứa Quan họ. Hơn bốn mươi năm trôi qua nhưng hoạt động của CLB vẫn được duy trì, tiếp nối...

Buổi sinh hoạt của CLB Quan họ Lũng Giang.

 

Những ngày áp Tết khi mọi người đang bận rộn lo sắm sửa cho một cái Tết đủ đầy thì các liền anh, liền chị của CLB Quan họ làng Lũng Giang vẫn cất lên những làn điệu Quan họ cổ ngọt ngào, đằm thắm trong buổi sinh hoạt vào ngày 13 và 23 âm lịch hàng tháng. Tiếp chúng tôi trong nhà chứa Quan họ số 2, ngay trung tâm thị trấn Lim, nghệ nhân Quan họ Nguyễn Hữu Thoa, Chủ nhiệm CLB, bộc bạch: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại làng Quan họ gốc nên chất dân ca đã đi vào tiềm thức và thấm đẫm trong con người từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ. Ở làng tôi, cứ khoảng 6, 7 tuổi là hát Quan họ. Chúng tôi, thế hệ sau theo thế hệ trước đến các nhà chứa Quan họ để học hát và tham gia các nhóm, đội Quan họ. Các cụ xưa truyền lại có 400 đến 500 bài Quan họ cổ, tôi cũng thuộc được 300 bài. Quan họ cổ Lũng Giang mang phong cách riêng nên ngày nay, nói đến những bài như: Xúc miệng ấm đồng, Con ếch, Thân lươn, Lên núi Ba Vì, Yêu nhau ngả nón ra ngồi, Có chiếc giếng thơi… là nghệ nhân các nơi đều nhận ra bài của Lũng Giang”.
CLB Quan họ làng Lũng Giang được thành lập năm 1977 với 41 thành viên đến nay tăng lên 62 với đủ các thế hệ từ 10 tuổi đến 90 tuổi, riêng Quan họ măng non có gần 20 thành viên. Từ khi tỉnh đầu tư xây dựng nhà chứa Quan họ, ngoài sinh hoạt vào các ngày cố định 13, 23 âm lịch hàng tháng, các thành viên nơi đây sinh hoạt thêm vào các ngày Chủ nhật. Việc sinh hoạt đều đặn với các nội dung triển khai bài bản giúp hoạt động CLB ngày càng phát triển. Tại buổi sinh hoạt ngoài rút kinh nghiệm, đánh giá hoạt động tháng trước, phần lớn thời gian CLB dành cho các thành viên luyện hát Quan họ đối đáp. Trong quá trình hát, các liền anh, liền chị, nghệ nhân Quan họ sẽ uốn nắn, chỉnh sửa cách nhấn nhá, buông câu nhả chữ sao cho lời ca được “vang, rền, nền, nảy”. Điều khiến cho buổi sinh hoạt của CLB luôn hấp dẫn chính là có 12 cặp nam, nữ hát đối đáp với nhau nhuần nhuyễn như cặp: Nguyễn Hữu Thoa, Nguyễn Văn Đặng là nghệ nhân Quan họ; Nguyễn Hữu Khung, Nguyễn Sách Quyển; Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Năng Diễn…
Liền chị Nguyễn Thị Nhung, 77 tuổi, thành viên CLB Quan họ Lũng Giang, chia sẻ: “Tôi tham gia CLB từ ngày đầu thành lập, những người yêu và say Quan họ thì vẫn đều đặn ca Quan họ nhưng cũng có thời gian Quan họ bị lắng xuống do sự xuất hiện của nhiều trào lưu âm nhạc khác khiến lớp trẻ không còn nặng lòng với dân ca Quan họ. Nhưng từ khi Quan họ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng sự nỗ lực của cộng đồng thì Quan họ đã hồi sinh căng tràn sức sống mới. Điều này khiến những người đau đáu với Quan họ, mê đắm với điệu dân ca như chúng tôi thật sự vui mừng”.
Ở vị trí trung tâm vùng Quan họ, thuận lợi giao thông, nhất là có hội Lim hàng năm, nên CLB thường xuyên được đón tiếp các liền anh, liền chị các làng đến hội để chơi Quan họ, vì vậy Quan họ Lũng Giang có sự tiếp thu bài bản Quan họ của nhiều làng khác, làm giàu cho vốn của mình. Chính điều này đã khiến cho một số nghệ nhân và các liền anh, liền chị thuộc nhiều bài Quan họ cổ mang phong cách khác nhau của các làng. Cùng với đó, để tăng vốn Quan họ cho các thành viên, CLB cũng tích cực giao lưu với các làng Quan họ gốc như: Châm Khê, Đào Xá, Thị Chung, Bồ Sơn, Viêm Xá... Hàng năm, CLB đều có các thành viên tham gia hội thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân và đạt giải. Để ươm mầm cho Quan họ nảy nở, CLB chú trọng truyền dạy Quan họ cho thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi măng non. Mặc dù việc học hát Quan họ cổ không phải điều dễ dàng nhưng với sự tâm huyết truyền dạy của các nghệ nhân, liền anh, liền chị trong CLB nên đến nay, gần 20 thành viên nhí đã thuộc được một số làn điệu Quan họ cổ, Quan họ lời mới và là “cây” văn nghệ tiêu biểu của trường, lớp. Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa, học Quan họ ngoài năng khiếu cần có sự đam mê thì sau này mới chơi Quan họ được, bởi việc học hát đã khó, còn phải học cách ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp của người Quan họ.
Sau 10 năm dân ca Quan họ được vinh danh, giờ đây CLB Quan họ Lũng Giang đã phát triển mạnh mẽ, mang một sức sống mới, mọi thành viên cùng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh. Từ em nhỏ đến cụ già đều ca Quan họ, trong hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, tiết mục dân ca Quan họ của CLB đã ở vị trí ưu thế, luôn là tiết mục “đinh”. Điều này khẳng định được sức sống trường tồn và lan tỏa của dân ca Quan họ Bắc Ninh trong cuộc sống hôm nay.

Minh Hường