Phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh

21/04/2021 18:03 Số lượt xem: 1890
Trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành (6-5-1951 đến 6-5-2021) hệ thống Ngân hàng Việt Nam gặt hái và ghi dấu được những kết quả đáng trân trọng. Phát huy truyền thống vẻ vang, Ngành Ngân hàng (NH) Bắc Ninh luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, khẳng định vai trò, vị thế tiên phong, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được và mục tiêu, giải pháp của ngành NH trong thời gian tới, phóng viên (PV) Báo Bắc Ninh có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Như Đôn, Giám đốc NHNN tỉnh.

Ông Nguyễn Như Đôn, Giám đốc NHNN tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho những đơn vị xuất sắc.

 

PVÔng có thể đánh giá khái quát tình hình hoạt động Ngành NH cũng như sự đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt hành trình qua?
Ông Nguyễn Như Đôn: Mạng lưới hoạt động của ngành NH tỉnh có sự phát triển vượt bậc, năm 1997 tỉnh chỉ có NHNN và 3 NHTM, đến nay Bắc Ninh thu hút được gần 40 chi nhánh NH, 26 QTDND, 1 tổ chức tài chính vi mô, 1 chi nhánh công ty tài chính, 1 văn phòng đại diện NH nước ngoài cùng với gần 4.000 điểm giao dịch, hệ thống máy ATM, POS trải rộng khắp các trung tâm huyện lỵ, khu công nghiệp, khu tập trung dân cư và các vùng nông thôn... Có thể khẳng định, gần 107.500 tỷ đồng dư nợ của toàn ngành NH được chuyển tải đến các thành phần kinh tế đầu tư hiệu quả trên địa bàn, trong đó nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm hơn 96% đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững, đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với việc chú trọng đầu tư vốn cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, của tỉnh, hệ thống NH trên địa bàn còn làm tốt công tác tín dụng ưu đãi phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách với tổng dư nợ gần 2.800 tỷ đồng, qua đó góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Đến nay, tập thể cán bộ, người lao động, toàn hệ thống NH đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động vì cộng đồng, tạo hình ảnh tốt đẹp, được các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thị trường, tạo môi trường đầu tư ổn định, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn FDI thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Với vai trò là kênh dẫn vốn, điều tiết và hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng kinh tế, thời gian qua ngành NH tỉnh đã có những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Như Đôn: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, NHNN tỉnh chỉ đạo, quán triệt các NH, TCTD thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành NH vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn lực của mình thông qua tiết giảm chi phí, giảm lương, giảm lợi nhuận. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh và góp phần đẩy mạnh lưu thông vốn tín dụng.
Các đơn vị trong toàn ngành NH tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động nguồn vốn để mở rộng cho vay các chương trình tín dụng đặc thù, tập trung nguồn vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên... Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, dư nợ cho vay toàn hệ thống NH tăng trưởng hàng năm, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 14,2% năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn quốc.
Mặt khác, NHNN tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp (NH - DN). Từ năm 2014 đến nay, các NH, tổ chức tín dụng ký kết cho vay Chương trình với tổng dư nợ đạt trên 44.000 tỷ đồng, hơn 2.200 DN còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt trên 18.000 tỷ đồng (tăng gấp hơn 3 lần  so với cuối năm 2016).
Để đạt được kết quả đáng khích lệ đó, Ngành NH chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, đặc biệt vốn để khắc phục khó khăn do dịch bệnh, tái mở rộng sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu dịch COVID-19, nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay. Thủ tục giao dịch với khách hàng được công khai minh bạch, tăng tính ưu việt của các sản phẩm, tiện ích NH, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, qua đó góp phần cải thiện điểm số và xếp hạng PCI của tỉnh Bắc Ninh.
Song song với hoạt động cung cấp vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ khách hàng, NHNN tỉnh nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tích cực phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định, bảo đảm an toàn hoạt động NH và hệ thống các TCTD; xây dựng hệ thống các chi nhánh NH, TCTD phát triển đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế... Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác cơ cấu lại hệ thống các NH, TCTD và xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của tỉnh. Công tác nhân sự cũng được NHNN tỉnh chú trọng, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, năng lực quản trị điều hành của các NHTM; tích cực đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; xây dựng hệ thống NH ngày một lớn mạnh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Bắc Ninh.

 

PV: Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn đầu tư, cũng như bảo đảm hoạt động của ngành luôn an toàn và hiệu quả, NHNN tỉnh thực hiện chỉ đạo các NH, TCTD như thế nào?  
Ông Nguyễn Như Đôn: Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với ngành NH trên cả nước, hệ thống NH tỉnh sớm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh trên thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.
Tính đến hết tháng 3-2021, các NH thương mại, tổ chức tín dụng hỗ trợ hơn 9.500 khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó miễn giảm lãi vay cho 1.006 khách hàng trên dư nợ trên 2.600 tỷ đồng (số lãi được miễn giảm là 6,3 tỷ đồng); cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 400 khách hàng với dư nợ được cơ cấu hơn 2.600 tỷ đồng; giải ngân cho vay mới cho 8.000 lượt khách hàng vay số vốn gần 32.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống NH tỉnh sẽ bám sát các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của tỉnh và của NHNN Việt Nam, tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, duy trì, nâng cao vị thế của Chi nhánh NHNN trong việc tổ chức triển khai các công cụ chính sách theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của tỉnh nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN tỉnh sẽ chỉ đạo các chi nhánh NH, TCTD hoàn thành tốt các mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao phù hợp với năng lực thực tế của từng đơn vị, bảo đảm việc mở rộng đi đôi với chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động NH. Chỉ tiêu cụ thể tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 16 %/năm, có điều chỉnh diễn biến, tình hình thực tế; nợ xấu trên địa bàn dưới 3%; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn vay NH...  
NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động NH theo quy định của Chính phủ và Thống đốc NHNN, nhất là Chỉ thị về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm  hoạt động NH an toàn, hiệu quả. Trong đó, tập trung vốn ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; đẩy mạnh kết nối NH - DN dưới hình thức “Ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho DN; cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp…”; triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ…
NHNN tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin, phối hợp với các cấp, ngành chức năng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng nhằm giúp NH và DN xích lại gần nhau hơn, gắn kết hơn... Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện tốt các phương án bảo đảm an toàn cho hoạt động tiền tệ, tín dụng, an toàn tài sản của NH, TCTD và khách hàng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực NH. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, định hướng, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, giúp ngành NH hoạt động an toàn, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Linh (thực hiện)