Phú Mẫn gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

23/06/2022 20:17 Số lượt xem: 3630
Thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ (Yên Phong) là ngôi làng cổ giàu truyền thống văn hiến. Với hệ thống đình, chùa có giá trị văn hóa, Phú Mẫn luôn quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tín ngưỡng, tinh thần của nhân dân.

Khuôn viên đình, chùa Phú Mẫn.

 

Đình, chùa Phú Mẫn là những công trình kiến trúc cổ, được khởi dựng trước thế kỷ XVI. Đình thờ an vị đức thánh Quý Minh đại vương, vị tướng thời vua Hùng Vương có công với nước. Xưa kia, đình Phú Mẫn là một công trình kiến trúc lớn với các hạng mục gồm hậu cung, đại đình, tiền tế, sân đình… đều được chạm khắc, đắp vẽ tài nghệ, biểu hiện tài năng tuyệt khéo của những người thợ nề, thợ mộc thời xưa.
Chùa Phú Mẫn mang tên chữ là “Linh Quang Tự” dựng đặt ở khu đất cao rìa làng, nhìn ra cánh đồng. Là một chùa lớn, cổ xưa, bao gồm hàng chục công trình, với hàng trăm gian nhà gồm: Tam bảo, hành lang, nhà phẩm, gác chuông, nhà tổ, nhà tạo soạn, cổng tam quan, sân vườn… Các hạng mục đều được xây cất công phu, tinh xảo, trở thành di sản kiến trúc nghệ thuật dân tộc. Chùa thờ Phật, thờ các vị tổ là những người đã tu ở chùa có công bảo vệ, gìn giữ và duy trì đạo pháp.
Cụm di tích lịch sử đình, chùa Phú Mẫn còn có giá trị kiến trúc nghệ thuật và văn hóa. Từ quy mô các công trình đến nghệ thuật chạm khắc, đắp vẽ, các cổ vật được lưu giữ trong di tích. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, các công trình đình, chùa Phú Mẫn bị tàn phá, vì vậy không còn được nguyên xưa.
Trân trọng những di sản cha ông để lại, trong nhiều năm qua, Phú Mẫn chủ động kêu gọi nhân dân xã hội hóa đóng góp kinh phí hàng tỷ đồng tu bổ cụm di tích ngày càng tố hảo vừa duy trì nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của mọi người, vừa bảo vệ lâu dài các di sản còn lại của các công trình kiến trúc xưa. Hiện nay đình, chùa Phú Mẫn có một cảnh quan khá đẹp và lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật đặc sắc đó là ngai thờ sơn son thiếp vàng với lối chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo được giữ lại từ đời Lê. Đình còn có nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của thánh và cảnh đẹp của quê hương và 2 viên gạch rồng thời Lê. Tương truyền đây là 2 viên gạch còn lại trong số 5 nghìn viên gạch rồng vua ban cho đình Chờ.
Chùa Phú Mẫn ngày nay còn lưu giữ 3 bia đá có giá trị: 1 bia có niên hiệu thời Lê (1428-1527), 1 bia có hoa văn thời Mạc (1527-1592), 1 bia có niên hiệu thời Chính Hòa (1680-1705); 1 chuông đồng lớn cao 1,5m có niên hiệu Cảnh Thịnh cửu niên 1801. Hệ thống tượng phật của chùa khá phong phú và đa dạng hầu hết được tạc bằng gỗ với kích thước khác nhau.
Các nguồn cổ vật, tư liệu văn tự ở chùa, đình như: Tượng thờ, bình hương kiệu, siêu đao, bát biểu, hoành phi, câu đối, thần tích, sắc phong… đều là những tài liệu có giá trị giúp thế hệ sau tìm hiểu về lịch sử và truyền thống văn hiến của Phú Mẫn cũng như tìm hiểu về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cổ của dân tộc. Điều đáng quý, đình và chùa không chỉ là trung tâm thờ tự thánh, phật mà còn là trung tâm lễ hội, hội họp của toàn dân nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hiến, thuần phong mỹ tục quê hương.
Ngoài các di tích lịch sử trên, Phú Mẫn còn có đền thờ; văn chỉ (thời Khổng Tử và các bậc đại khoa); võ chỉ (thờ các võ tướng), điếm, nghè ở các xóm, nhà thờ họ… Tất cả đều nói lên lịch sử lâu đời của Phú Mẫn và đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng phong phú đa dạng của người dân ở làng quê này.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, đình, chùa Phú Mẫn được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Cụm di tích đình, chùa Phú Mẫn không chỉ đẹp và có nhiều hiện vật quý mà còn nằm trên một cảnh quan thoáng đãng, thơ mộng, được xây dựng trên quê hương có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Gìn giữ bảo vệ các di tích này, chính là bảo vệ được công trình kiến trúc cổ, một nét đẹp của làng quê, góp phần thu hút khách tham quan du lịch đồng thời giáo dục truyền thống thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Minh Hường