Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè oi nóng - Không thể lơ là

03/07/2020 16:11 Số lượt xem: 2113
Thời tiết mùa hè đang trải qua những đợt nắng nóng đỉnh điểm là điều kiện thuận lợi gây ôi thiu thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách, nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Vấn đề bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè oi nóng do vậy không thể lơ là.

Thực phẩm được di chuyển, bày bán trên đường phố như thế này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 9 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 7,7 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (chiếm tới 86%). Thực tế cho thấy, phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được chú trọng. Vẫn tồn tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận kinh tế chưa tự giác chấp hành những quy định về ATTP; trong khi đó ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm chưa cao. Có thể thấy đây là một trong những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình hiện nay.

Theo báo cáo của Ban Quản lý ATTP tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Tuy nhiên, thời tiết oi nóng kéo dài, thức ăn đường phố trong điều kiện bảo quản hạn chế khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn. Nhằm tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các sự cố về ATTP, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã thành lập 2 Đội điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh để sẵn sàng điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm và sự cố về ATTP khi xảy ra. Đơn vị cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm, phản ánh của người dân, các cơ sở y tế, các tổ chức doanh nghiệp trong tỉnh; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về ATTP, đặc biệt tập trung vào các bếp ăn tập thể, khu du lịch, lễ hội, sự kiện, bữa ăn tập trung đông người…

Nhằm bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm có công văn đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các công ty có tổ chức bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn trong các KCN. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; các cơ quan chức năng phối hợp với Đội Thanh tra - Quản lý An toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền... Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm ATTP, công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Công tác tuyên truyền được định hướng tập trung vào các nội dung trọng tâm: Phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, KCN, các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt chú trọng tuyên truyền hướng dẫn bảo đảm ATTP tại các bữa cỗ gia đình; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh…

Những tháng đầu năm, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tạm ngừng hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP theo chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh; các hoạt động khác như giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truyền thông trực tiếp (tập huấn, hội nghị, hội thảo..), cấp giấy chứng nhận ATTP, hậu kiểm… đều ít nhiều chịu ảnh hưởng, phải đẩy lùi kế hoạch hoạt động. Tháng Hành động vì ATTP cũng tập trung chủ yếu vào các hình thức truyền thông gián tiếp như: Truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông trực quan, qua mạng xã hội…

Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động bảo đảm ATTP được tái “khởi động”. Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp nhằm bảo đảm ATTP trong thời gian tới của cơ quan quản lý về ATTP. Theo đó, thực hiện tốt công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, kịp thời phát hiện sản phẩm không an toàn để có biện pháp ngăn chặn không bảo đảm chất lượng, ATTP lưu thông trên thị trường; từ đó đưa ra các cánh báo, phân tích nguy cơ ATTP trên địa bàn tỉnh tới người tiêu dùng. Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt các quy định về điều kiện ATTP của các cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, trường học, KCN và chế xuất; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có cơ sở dịch vụ ăn uống, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm...

Việt Hoa