Phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm

17/09/2021 16:22 Số lượt xem: 2027
Ngày 17-9, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi

 

8 tháng năm 2021, tổng đàn gia cầm cả nước đạt hơn 515 triệu con; 26,67 triệu con lợn, đàn bò tăng 1,8%, đàn trâu giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng hơn 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5% so với cùng kỳ; thủy sản đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn.

Trước nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan diện rộng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, rất cần các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi cả nước, từ đầu năm đến nay buộc phải tiêu hủy gần 100.000 con lợn; bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò xâm nhiễm vào Việt Nam ở 51 tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Ninh, buộc tiêu hủy hơn 30.000 con trâu, bò mắc bệnh; dịch Cúm gia cầm do chủng H5N8 lần đầu xâm nhiễm và lây lan ra 10 tỉnh, thành phố, cùng các loại dịch bệnh phát sinh theo mùa, buộc tiêu hủy hơn 400.000 con gia cầm.

Để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch bệnh COVID-19), Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các địa phương: Tập trung nguồn lực tổ chức triểt khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Bệnh dại…; thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch tễ, giám sát, pháp hiện kịp thời dịch bệnh nguy hiểm, có phương án dập dịch ngay, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, duy trì số lượng, chất lượng đàn vật nuôi; đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có thể áp dụng công nghệ hình ảnh để kiểm tra triệu chứng lâm sàng kiểm soát động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp, ưu tiên tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho lực lượng thú y, góp phần tham gia phòng dịch an toàn.  

Cục Thú y cũng đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022-2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030; cho phép xây dựng dự thảo Nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật (hiện đang thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nhưng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều lĩnh vực), nhằm từng bước đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hoài Lan