Phòng, chống biến chứng đái tháo đường

19/09/2018 09:30 Số lượt xem: 730
Đái tháo đường là một trong những bệnh lí không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Bệnh không có những biểu hiện cụ thể mà diễn biến từ từ, thầm lặng nên người bệnh thường không phát hiện ra. Chỉ đến khi bệnh nặng và có biến chứng, thậm chí biến chứng nặng nề thì người bệnh mới đến khám và điều  trị. Điều này không những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh mà còn khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.

Bà Vũ Thị Khuyên, 77 tuổi, ở phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường từ năm 2010 khi bệnh ở giai đoạn nặng, có biến chứng ở bàn chân, các bác sĩ phải cắt mất 2 ngón chân. 2 năm sau bà tiếp tục bị biến chứng đến bàn chân trái, phải cắt cụt cả bàn chân tại bệnh viện Việt Đức. Thời gian gần đây, bàn chân trái của bà lại tiếp tục có những triệu chứng đau nhức, loét và nhiễm trùng, biết được mức độ nguy hiểm và bệnh tình của mình nên bà đến viện để được thăm khám, điều trị nội trú và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Khoa Nội tiết, Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh cho biết, bệnh đái tháo đường làm cho quá trình xơ vữa động mạch nhanh hơn, hình thành các cục huyết khối hay các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, bít tắc lòng động mạch khiến máu và oxy không đến nuôi dưỡng được vùng mạch máu đó cung cấp. Bệnh nhân Khuyên là điển hình của biến chứng đái tháo đường gây tắc mạch chi, dẫn đến hoại tử chi và phải cắt cụt chân. Ngoài ra, biến chứng tắc mạch còn thường xảy ra ở não gây tắc mạch máu não, phình vỡ mạch máu não, tai biến mạch máu não.
Tại Khoa Khoa Nội tiết, Cơ xương khớp cũng đang có bệnh nhân bị tai biến do biến chứng của đái tháo đường, khiến liệt nửa người và nằm bất động tại giường hơn 20 năm nay, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thơ ở xã Phù Lãng, huyện Quế Võ cũng có 12 năm điều trị đái tháo đường tại BVĐK tỉnh Bắc Ninh. Mới đây, ông bị nhiễm trùng, loét nhiều vị trí ở cả 2 bàn chân. Điều đáng nói là ông lại không cảm nhận được vết thương ở bàn chân của mình do biến chứng thần kinh từ bệnh đái tháo đường. Vì thế khi mới bị thương, không kịp thời phát hiện và điều trị, cho đến khi bàn chân có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng to lên gia đình mới đưa đến viện điều trị.
Bác sĩ Vũ Hồng Phương, Trưởng khoa Nội tiết, Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh cho biết, đường huyết tăng cao kéo dài có thể gây tổn thương (tắc, hẹp) các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh; mặt khác, đường máu cao còn sinh ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho dây thần kinh, khiến các dây thần kinh bị thoái hóa, tốc độ dẫn truyền các tín hiệu bị chậm lại, thậm chí mất hẳn. Đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương toàn bộ sợi thần kinh của cơ thể, nhưng chi dưới và bàn chân thường là bộ phận bị tổn thương nhiều nhất. Dấu hiệu sớm là bệnh nhân giảm cảm giác ở bàn chân, tê bì; sau đó là cảm giác bỏng rát, đau như dao đâm thường tăng lên vào ban đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Hoặc cũng có thể người bệnh sẽ mất cảm giác ở chân, khiến họ bị thương mà không hề hay biết cho tới khi chân bị sưng tấy, nhiễm trùng nặng mới phát hiện. Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường do tuần hoàn máu kém làm cho các yếu tố bảo vệ cơ thể, miễn dịch suy yếu.
Không chỉ bị nhiễm trùng loét bàn chân, bệnh nhân còn cảm thấy mắt bị mờ, không nhìn rõ. Khi đường huyết tăng cao và không ổn định sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc, khiến dịch trong lòng mạch rò rỉ ra ngoài võng mạc gây mờ mắt và giảm thị lực tạm thời. Thế nhưng người bệnh gần như không cảm thấy bất kì sự thay đổi nào của mắt, đơn giản nghĩ do tuổi cao khiến mắt mờ. Tình trạng này lâu dần khiến có những trường hợp đến viện đã bị đục thủy tinh thể, thậm chí đối diện với nguy cơ mù lòa.
Các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đều có biến chứng, phải tuân thủ khám định kì theo hẹn, nhưng cũng có những bệnh nhân do tuổi cao, tinh thần không minh mẫn nên dùng thuốc sai, dẫn đến tình trạng gặp biến chứng cấp tính như hôn mê, hạ đường huyết, hôn mê tăng áp mạch thẩm thấu… Mặt khác, bệnh nhân cũng có thể vừa mắc tiểu đường vừa có biến chứng về tim mạch (cơn đau thắt ngực, tăng huyến áp, tai biến), về thận thì có thể suy thận ở giai đoạn 3, 4; về mắt thì không chỉ mắt nhìn mờ, kém mà có thể là giảm thị lực hoàn toàn, không nhìn thấy gì; biến chứng về thần kinh mạch máu thì có thể bệnh nhân đến trong tình trạng viêm loét hoại tử bàn chân nặng, phải cắt cụt chi, thậm chí cắt rất nhiều lần.
Lời khuyên tốt nhất của bác sĩ đối với bệnh nhân đái tháo đường để phòng tránh biến chứng nguy hiểm là kiểm soát tốt lượng đường huyết trong máu thông qua việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, tập luyện. Cùng với việc định kì hàng tháng đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe và chỉ định kê đơn thuốc, người bệnh đái tháo đường cũng nên có máy thử đường huyết tại nhà để chủ động kiểm soát đường huyết, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện. Ngay khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyễn Oanh