Phòng cháy, chữa cháy tại các kho, xưởng

22/05/2019 08:31 Số lượt xem: 2222
Trong những năm gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại các kho, xưởng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, tính mạng của con người.

Riêng địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thể kể đến một số vụ cháy kho, xưởng điển hình: Ngày 25-10-2013 cháy lớn tại kho của Công ty Cổ phần Diana ở Cụm công nghiệp Tân Chi, huyện Tiên Du. Ngày 20-8-2015 cháy kho chứa nguyên liệu thuốc lá của Công ty Cổ phần Ngân Sơn tại KCN Tiên Sơn. Ngày 11-3-2016 cháy xưởng sản xuất và kho nguyên liệu gỗ của Công ty TNHH Nam Á tại KCN Quế Võ… làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà kho, nhà xưởng là khu vực đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là nơi lưu trữ và bảo quản hàng hóa, tập trung nguyên vật liệu có nhiều nguy hiểm về cháy nổ như hóa chất, vải, da giày, giấy, gỗ… Phần lớn các kho, xưởng đều làm bằng kết cấu sườn sắt, vách, mái tôn có giới hạn chịu lửa thấp, dễ bị sụp đổ khi xảy ra cháy. Với diện tích lớn nên bên trong nhà kho, xưởng thường bố trí kho, văn phòng làm việc, nhưng giữa các bộ phận này không có tường ngăn cháy. Các chủ đầu tư xây dựng sẵn để cho thuê nhưng chưa biết được tính chất hoạt động của cơ sở nên khi khai thác sử dụng, hệ thống PCCC thường không phù hợp với công năng của từng ngành, nghề, do đó khi có cháy xảy ra không được phát hiện kịp thời và chữa cháy kém hiệu quả. Ngoài ra các kho, xưởng thường được xây dựng khép kín để tránh mất mát, hao hụt hàng hóa bên trong, kiến trúc này vô tình đã cách ly đám cháy bên trong kho với môi trường bên ngoài, tạo điều kiện cho đám cháy mới phát sinh, phát triển tự do, khó phát hiện cho đến khi trở thành đám cháy lớn. Không những vậy, kiến trúc khép kín còn gây khó khăn cho công tác tiếp cận và cứu chữa đám cháy trong các kho.
 
Các lực lượng chữa cháy và cứu tài sản trong vụ cháy xưởng sản xuất và kho nguyên liệu gỗ của Công ty TNHH Nam Á (KCN Quế Võ) vào ngày 11-3-2016.
 

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) khuyến cáo chủ cơ sở, doanh nghiệp cần làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như sau:
1. Thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: Thẩm duyệt về PCCC đối với công trình xây dựng mới, cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất hoạt động; nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động.
2. Không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng, dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong kho, xưởng. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm tường, vách ngăn, trần.
3. Hàng hoá, sắp xếp bảo quản tại kho, xưởng:
- Sắp xếp, bảo quản hàng hoá theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng phương pháp chữa cháy giống nhau đồng thời bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.
- Sắp xếp, trưng bày hàng hóa phải để trên bục kê, giá gọn gàng, vững chắc, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m).
- Không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, phải bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ.
4. Tăng cường công tác thường trực, tuần tra phát hiện cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp.
5. Rà soát và niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.
6. Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện phải đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không bố trí vật tư hàng hóa dễ cháy gần dây dẫn, bóng đèn, ổ cắm, cầu dao…
7. Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng làm kho hàng, nhà xưởng cần: Phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện công tác PCCC giữa bên cho thuê và bên thuê; thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ cháy, nổ.
8. Trường hợp bảo dưỡng, sửa chữa có sử dụng hàn, xì thì phải sử dụng thợ hàn có chứng chỉ hành nghề; khi hàn phải có biện pháp che chắn vẩy hàn bảo đảm an toàn PCCC.
9. Đối với trường hợp chất chứa là hóa chất, kho hàng cần dùng thiết bị chứa chuyên dụng theo tiêu chuẩn quy định, tuyệt đối không chứa 2 loại hóa chất khác nhau trong cùng một kho để tránh phản ứng hóa học có thể xảy ra cháy, nổ khi các dụng cụ chứa bị rò rỉ. Phải dùng đường dây dẫn điện đặt kín theo tiêu chuẩn để tránh các tác động lý hóa, động vật gặm nhấm phá hoại làm mất tác dụng của lớp bọc cách điện dẫn đến chập điện gây cháy.
10. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn; báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114; tổ chức chữa cháy và cứu nạn kịp thời, có hiệu quả.
 
Bảo Anh