Phong cách nêu gương

25/10/2018 10:42 Số lượt xem: 818
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành phong cách nêu gương. Người căn dặn: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” bởi “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”.

Từ Đại hội X đến nay, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện Chỉ thị 03, 05 không chỉ trở thành phong trào rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mà đã được chuyển hóa thành hành động thiết thực, cách làm hay, phong trào tốt với nhiều điển hình được tuyên dương, nhân rộng.
Dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được trình Hội nghị Trung ương Tám (khóa XII) đưa ra điểm mới là “yêu cầu cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược phải nêu gương tốt, coi nêu gương là tiêu chuẩn lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ”. Theo đó, cán bộ từ cấp Ủy viên Trung ương trở lên phải “tuyệt đối” nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, hành động trong thực tiễn... bởi họ đại diện cho sức mạnh của Đảng, là tinh hoa của dân tộc. Việc nêu gương phải thực hiện từ trên xuống dưới, không chỉ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mà cán bộ chủ chốt các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương cũng phải  nêu gương. Coi việc thực hành phong cách nêu gương như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Chế tài nghiêm khắc nhất để xử lý cán bộ vi phạm là đưa họ ra khỏi vị trí đang nắm giữ, kể cả đang là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Ban Bí thư...
Cán bộ lãnh đạo chủ chốt là “giường cột” của quốc gia, dân tộc. Những vị trí đó chỉ dành cho những người thực sự tài năng, đức độ, gương mẫu  trọn đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân. Do vậy, cán bộ lãnh đạo cấp càng cao, càng đòi hỏi phải là tấm gương tiêu biểu nhất, trong sáng nhất về phong cách nêu gương. Bởi nếu phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị của họ là mẫu mực thì cán bộ cấp dưới và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tin tưởng vào con đường cách mạng của Đảng và dân tộc, quyết tâm học tập, làm theo lớp đàn anh.
Thực hiện phong cách nêu gương không chỉ thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng, chất lượng lãnh đạo của Đảng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc phòng chống các biểu hiện tiêu cực về: công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, nâng đỡ người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi... Tạo niềm tin của người dân với Đảng, cùng đồng tâm, hiệp lực xây dựng đất nước phát triển, xã hội phồn vinh, thịnh vượng. 

Đào Khoa