PHÓ NGUYÊN SÚY TAO ĐÀN SÁI THUẬN: Tài thơ lớn của đất cổ Kinh Bắc

02/08/2019 08:53 Số lượt xem: 1464
Sái Thuận (còn đọc là Thái Thuận) (1441- ?), tên tự là Nghĩa Hoà, biệt hiệu Lã Đường, người Làng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, thừa tuyên Kinh Bắc, nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 
Theo các tài liệu hiện còn lưu giữ được, Thái Thuận là một tấm gương khổ học thành tài. Khi còn nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh học giỏi, nhưng chưa kịp đi thi đã phải sung lính. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, ông là lính quản tượng - dạy voi xuất sắc. Anh lính quản tượng này ngày đêm miệt mài đèn sách, “nấu sử sôi kinh” để quyết chí lo việc khoa danh. Năm 35 tuổi, ông đã thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi 1475, niên hiệu Hồng Đức thứ 6, đời vua Lê Thánh Tông. Sau đó, ông được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, rồi làm Tham chính ở Hải Dương suốt hơn 20 năm. Cống hiến của ông cho đời chủ yếu là tài thơ văn, tương truyền thơ ông sáng tác có đến hàng nghìn bài nhưng thất truyền, chỉ còn lại khoảng gần 300 bài in trong các tập Toàn việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Quỳnh uyển cửu ca và Lã Đường di cảo thi tập... do con trai là Sái Khác và học trò Đỗ Chính Mô sưu tập biên soạn.
Các học giả nổi tiếng đương thời như Phan Huy Chú, Bùi Huy Bích, Lê Quí Đôn đều mến phục tài thơ của ông. Phan Huy Chú khen thơ ông các bài đều “tiêm tế, xinh đẹp, dồi dào, đáng là danh gia”, còn vua Lê Thánh Tông thì khen Sái Thuận là tay “tự chuyên ở trường thơ” và cử ông làm Tao đàn sái phu, rồi sau làm Tao đàn phó nguyên suý.
Thơ Sái Thuận có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tuy cũng tham gia hội thơ Tao đàn nhưng ông đã có một quan niệm rất đúng đắn và tinh tế về thơ ca. Theo ông, thơ ca không phải là thứ văn chương chỉ để ca ngợi cái đạo thánh đế minh vương, trung thần lương bật, tô điểm cảnh lầu son gác tía, điện ngọc nhà vàng ở chốn cung đình. Thơ ca với cái nghĩa chân chính của nó, phải làm hay làm đẹp cho nước, có ích cho đời: Hoa quốc văn chương tổng thị hiền (Văn chương làm đẹp đất nước, thảy là bậc hiền tài). Trước những cảnh thái bình thịnh trị, phong đăng hòa cốc của triều đại Lê Thánh Tông, thơ ông chú ý nhiều hơn đến những đề tài có ý nghĩa nhân sinh thiết thực:
Thái bình thiểm đáo côn bồng khách,
Nguyện hiến Chu thi tụng lũ phong.
                                             (Hỷ vũ)
(Khách thơ cảm thấy thẹn với đời thái bình,
Nguyện dâng thơ nhà Chu ca ngợi cảnh được mùa liên tiếp)
Đọc thơ Sái Thuận ta thấy một tình cảm gắn bó thắm thiết, mặn mà với quê hương, với thiên nhiên, đặc biệt là với mùa xuân tươi đẹp. Sái Thuận có nhiều bài thơ về đề tài mùa xuân. Ngày xuân thưởng thức ánh sáng xuân, ông ngắm nhìn trời đất, cảm động thấy được cái thần diệu của hoá cơ (Tức sự ngày xuân). Nhìn ra thềm cỏ, ông thấy ngọn cỏ cũng đa tình. Mới chớm xuân, lòng cỏ đang lạnh giá đã chuyển mình nhen sắc (Đầu xuân). Cũng là ngắm đào liễu, Sái Thuận thưởng ngoạn vẻ đẹp riêng, quí hiếm: Liễu vẫn thả tơ biếc, lúc đầu trời còn vắng bóng chim oanh. Đào nở hoa thắm, giữ được nét nguyên trinh, khi lũ bướm ong chưa hề hay biết:
Liễu hoàn cựu lục, oanh do tĩnh
Đào thí tân hồng, điệp vị tri.   
                                 (Sơ xuân)
(Liễu xưa nhả biếc oanh còn vắng
Đào mới khoe hồng bướm chửa hay)
Chỉ qua mấy vần thơ xuân, cũng thấy rõ thơ Sái Thuận khác xa với dòng thơ xướng hoạ cung đình thời ấy. 
Thơ Sái Thuận ít có những nét bút hoành tráng, khí phách hào hùng, sắc màu thắm rực như thơ Nguyễn Trãi, cũng ít khoa trương tự đắc như thơ Lê Thánh Tông. Thơ ông trong trẻo thanh thoát, bình dị, bộc lộ một tâm hồn đa cảm, đầy lòng ưu ái với tạo vật, con người. Song điều đáng nói trong thơ Sái Thuận là ở chỗ tấm lòng chân tình của ông đối với đời. Thơ ông thiên về trữ tình và theo thể tài truyền thống. Nhưng do cảm xúc chân thành, lại được viết ra từ một tâm hồn giàu cảm xúc, nên có những bài thơ đẹp như một bức hoạ: 
Nhà cỏ tuôn làn khói,
Thuyền con ghé mái bồng.
Trẻ em ba bốn tốp,
Bắt cáy dọc ven sông.
            (Hoàng giang tức sự)
Cảnh vật qua thơ ông dẫu có nhỏ bé, bình thường, cũng trở nên có tình ý, có hồn, và thật giàu cảm xúc:
Bãi phẳng triều lên ngập,
Nhà nông sớm vội cày.
Vắt trâu nghe mấy tiếng, 
Cò trắng giật mình bay.
(Muộn giang)
Nhưng cảm động nhất vẫn là những dòng thơ thật gan ruột, khi ông viết về quê hương, về vùng đất Cổ Châu Kinh Bắc xưa trù phú, văn vật, cổ kính:
Nam bắc đầu kiều lộ tứ phân,
Huyên huyên thị ngữ bất kham văn.
Đạo bàng phú ốc khuân như trất,
Khê thượng danh thù mấn tự vân.
Phật tự nhật tà Trần thị tháp,
Linh từ thảo ám Sĩ Vương phần.
Cố hương thuỳ vị lâm tuyền khách,
Ngũ thập niên lai tiếu ngã vân. 
     (Quá Cổ Châu)
Dịch thơ:
Đầu cầu Nam Bắc đường chia ngả,
Chợ họp ồn ào nhộn nhịp thay.
Cạnh lối nhà giàu kho sít lược,
Bờ khe gái đẹp tóc xanh mây.
Trần gia chùa tháp phơi chiều xế,
Sĩ Nhiếp đèn mồ khuất bóng cây.
Quê cũ phải đâu rừng suối lạ,
Cười ta năm chục tuổi qua đây.
                (Đào Phương Bình dịch)
Đọc thơ Sái Thuận, ta thấy bao trùm lên là một tình cảm đôn hậu, trong sáng, lành mạnh, thiết tha với quê hương, đất nước và con người. Thơ ông thực sự có những đóng góp đáng kể đối với thi đàn văn học thời đại ấy và đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thi ca dân tộc. 
Riêng với lịch sử văn hoá, văn học của Thuận Thành nói riêng và của  Kinh Bắc nói chung thì Sái Thuận xứng đáng là một tài thơ lớn của đất cổ Kinh Bắc. 
Nguyễn Đình Triển