Phát triển thương hiệu rau an toàn Liên Ấp

30/09/2022 15:18 Số lượt xem: 1340
Tại thôn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du), hơn 10 năm qua, dưới sự dẫn dắt, hỗ trợ của ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX rau an toàn Liên Ấp, những sản phẩm rau sạch của nông dân nơi đây đã giúp họ thay đổi tư duy làm nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phấn khởi khi những lứa cà chua trước được mùa, bán được giá cao, vụ này gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, thôn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) lại chăm sóc kỹ lưỡng những cây cà chua đang trổ hoa và bắt đầu kết trái. Năm ngoái, gia đình bà thu về gần 50 triệu/ sào cà chua. Đó là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Là một trong những người đầu tiên tham gia vào HTX rau an toàn thôn Liên Ấp, đến bây giờ bà Bảy và nhiều người nông dân khác đã thấy quyết định của mình đúng đắn bởi ở đó, họ không còn nơm nớp lo sợ rau không không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, yên tâm hơn về giá khi được mùa...”

Bằng kiến thức của mình, ông Nguyễn Văn Hiệp luôn hỗ trợ và đồng hành cùng người nông dân trong quá trình sản xuất rau an toàn. (Ảnh: H.Thương)

 

Nhìn người nông dân quê mình được mùa, hào hứng gắn bó với ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Hiệp nhớ lại thời gian đầu, để tạo dựng niềm tin cho họ đi theo hướng HTX rau an toàn lại thấy lắm nỗi gian nan. Ông Hiệp chia sẻ: “Là một người lính trở về địa phương, tôi luôn trăn trở và nuôi khát vọng tìm hướng đi mới cho nông nghiệp quê nhà. Liên Ấp là vùng có nghề trồng rau từ lâu, nhưng bà con chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao. Chình vì thế, tôi đã vận động bà con trong thôn thay đổi cách trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn”. Thấy nhiều người hoài nghi về hiệu quả kinh tế, nhất là việc phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật, ông Hiệp quyết định chúng minh trên thửa ruộng nhà mình để bà con mục sở thị. Những kiến thức, kỹ thuật học ở các lớp tập huấn, các phương tiện thông tin đại chúng được ông áp dụng thuần thục trên ruộng rau nhà mình. Rau phát triển tốt, tiêu thụ thuận lợi, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa và trồng rau cách cũ, thấy vậy bà con trong thôn đã tìm đến học tập kinh nghiệm.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau an toàn là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, năm 2011, ông Hiệp tập hợp các hộ trong thôn thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Tổ trưởng và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng rau trước khi xuất bán, rồi đến kết nối tiêu thụ. Để bài bản hơn, đến năm 2017 ông Hiệp đứng ra vận động các thành viên trong Tổ hợp tác góp đất, góp vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập HTX sản xuất rau, củ quả, nông sản an toàn thôn Liên Ấp và ông được bầu làm Giám đốc. Từ đây, Ban Quản trị HTX thống nhất xây dựng quy trình sản xuất để sản phẩm HTX đủ tiêu chuẩn được chứng nhận VietGap. Đến nay, tổng diện tích canh tác của HTX là 30ha, trong đó có 10 ha chuyên trồng các loại cây ăn quả, 20 ha trồng rau màu, củ quả, tạo việc làm cho 150 hộ gia đình và 300 lao động thời vụ khác.

Để thu hút nông dân cùng sản xuất, điều quan trọng nhất, theo ông Hiệp là phải lo được đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, HTX chủ động kết nối với các bạn hàng bằng cách tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị, gian hàng trưng bày sản phẩm, áp dụng công nghệ để giới thiệu hình ảnh rau, quả theo mùa trên mạng xã hội, gửi video quay trực tiếp quá trình sơ chế, đóng gói cho khách hàng qua Zalo. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc với ngày giờ thu cắt, đóng gói và hạn sử dụng rõ ràng. Nhờ vậy, ngày càng nhiều người biết tới HTX, sản phẩm mang thương hiệu rau an toàn Liên Ấp đã có mặt tại 6 siêu thị và 5 công ty trong và ngoài tỉnh. Sản lượng thu hoạch 750 tấn/ năm, doanh thu 12-13 tỉ đồng/ năm. Cùng với chia lợi nhuận công khai hàng năm, HTX cũng tổ chức cho các thành viên tham quan, nghỉ mát; thăm hỏi động viên các gia đình có người ốm đau…tạo thêm sự gắn kết với các thành viên.

Trước những đòi hỏi của thị trường giai đoạn mới, HTX dự định liên kết để mở rộng vùng sản xuất rau an toàn giúp nhiều nông dân chuyển sang phương thức canh tác hiện đại và gia tăng sản lượng rau cung ứng. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật thâm canh mới và thử nghiệm sản xuất rau có giá trị trong nhà màng, nhà kính như cần tây, ớt chuông… HTX mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng, được giới thiệu kết nối với các điểm bán, doanh nghiệp có lượng tiêu thụ ổn định nhằm tăng doanh thu và tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho người nông dân kiên trì bám ruộng. Ông Hiệp bày tỏ: “Đến bây giờ, điều chúng tôi tâm đắc nhất khi thành lập HTX là duy trì hoạt động theo đúng bản chất, nguyên tắc của kinh tế tập thể: dựa trên sự tự nguyện, cùng nhau góp vốn, góp ruộng, góp công, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thành quả. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người nông dân bỏ ruộng, chúng tôi sẽ cố gắng đa dạng phương án sản xuất, kinh doanh, thu hút các thành viên tham gia vào HTX và tiếp tục làm đất nảy sinh giá trị”.

Ngọc Hải