Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng

28/05/2020 09:21 Số lượt xem: 2806
Với lợi thế về khí hậu, mặt nước, thị trường tiêu thụ ổn định cùng sự quan tâm hỗ trợ về chính sách của tỉnh, nghề nuôi cá lồng trên sông đang mở ra hướng đi hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và vai trò quản lý của Nhà nước…

Với điều kiện tự nhiên sẵn có, tỉnh Bắc Ninh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng, nhất là trên các sông lớn như sông Đuống, sông Thái Bình. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, năm 2011, sản lượng cá thương phẩm nuôi lồng trên sông chỉ đạt 87 tấn, giá trị 5,654 tỷ đồng; đến nay, sản lượng cá thương phẩm nuôi lồng trên sông đạt 6.235 tấn, chiếm 16,5% sản lượng thủy sản, đạt 342,925 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 160 hộ nuôi cá lồng ở 30 thôn thuộc 18 xã nằm trong 6 huyện với 2.062 lồng nuôi. Trong đó, tập trung ở các huyện Lương Tài 705 lồng, Quế Võ 502 lồng, Gia Bình 392 lồng, Thuận Thành 241 lồng, Tiên Du 114 lồng, Yên Phong 108 lồng. Các đối tượng cá nuôi chủ yếu là: Cá chép, trắm cỏ, trắm đen, nheo Mỹ (lăng đen), rô phi, điêu hồng, chép giòn; ngoài ra có một số đối tượng nuôi mới, cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá ngạnh sông, cá chiên, lăng chấm…

Bước đầu hình thành một số cụm lồng nuôi lớn như: Trại thực nghiệm Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco 100 lồng (xã Hán Quảng, Quế Võ); hộ ông Nguyễn Văn Trách (xã Đức Long, Quế Võ) 45 lồng; hộ ông Nguyễn Xuân Đang (HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, xã Mão Điền, Thuận Thành) 85 lồng; hộ ông Đỗ Đăng Năng (xã Mão Điền, Thuận Thành) 47 lồng; hộ ông Đỗ Văn Lên 33 lồng và hộ ông Phạm Văn Bôn (xã Trung Kênh, Lương Tài) 77 lồng…

So với nuôi cá trong ao đất, năng suất cá nuôi trong lồng đạt sản lượng cao hơn rất nhiều. Do có dòng nước chảy thường xuyên nên cá sinh trưởng phát triển thuận lợi, đạt 4 - 6 tấn/lồng với diện tích mặt nước là 36m2 (108m3 nước); trong khi nuôi trong ao đất trung bình hiện nay đạt 6,1 tấn/ha (với diện tích mặt nước 15.000m3 nước). Giá trị nuôi cá lồng mang lại bình quân đạt 40-80 triệu đồng/lồng 108m3 (kích thước 6m x 6m x 3m).

 

Thu hoạch cá lồng ở HTX  Nuôi trồng thủy sản Minh Tiến (xã Trung Kênh, Lương Tài).

 

Ông Đỗ Văn Lên, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Minh Tiến (xã Trung Kênh, Lương Tài) cho biết: “Sau nhiều năm lặn lội đi các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc học hỏi các mô hình nuôi cá lồng trên sông, tôi nhận thấy cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm như: Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch. Năm 2013, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm trên sông Thái Bình. Nhờ nắm vững kiến thức và tuân thủ quy trình kỹ thuật, đến nay, các lồng cá sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng và chất lượng thịt cá thơm ngon, săn chắc, giá cá bán cao hơn nuôi trong ao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội”.

Nhằm khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vốn làm lồng, mua con giống, vật tư. Năm 2015-2016, có 72 hộ, 1.572 lồng nuôi cá được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 23,58 tỷ đồng. Năm 2019, 125 hộ, 1.112 lồng được hỗ trợ theo Quy định là 990,782 triệu đồng...

Nuôi cá lồng trên sông đã và đang ngày càng phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tuy nhiên việc phát triển các mô hình cũng gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn. Theo thống kê, để xây dựng được một lồng nuôi cá, tiền mua vật tư, con giống, thức ăn lên đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, nhiều chủ hộ mong muốn ngân hàng khi cho vay đơn giản hoá về thủ tục, tăng lượng tiền vay và giảm lãi suất.

Mặc dù công tác quản lý nhà nước, thông tin tuyên truyền về nuôi cá lồng trên sông thời gian qua đã được các cấp ngành, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi chấp hành, song theo kết quả điều tra, mới có 108/160 hộ nuôi (chiếm 65%) có giấy phép đường sông; 23/160 hộ (chiếm 14,4%) có giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và 76/160 hộ (chiếm 47,5%) số hộ được cấp giấy xác nhận nhận đủ điều kiện nuôi cá lồng bè theo Quy định. Điều này cho thấy thời gian tới cần phải có các biện pháp, giải pháp triệt để hơn.

Bên cạnh đó, việc tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giúp nâng cao giá trị thu hoạch do giảm được các chi phí trung gian, quản lý tốt chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 1 HTX (HTX Trường Mạnh với 85 lồng nuôi) thực hiện được việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm dạng chuỗi. Tại các hộ nuôi, HTX khác, việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị chưa thực hiện được dẫn đến 56,35% số hộ gặp phải khó khăn tiêu thụ sản phẩm, bấp bênh về giá và 100% sản phẩm được bán cho thương lái tại lồng…

Để nghề nuôi cá lồng trong tỉnh phát triển bền vững, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT cùng các địa phương, đơn vị chức năng tiếp tục rà roát các điểm nuôi cá lồng để đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở để quản lý, phát triển nghề nuôi cá lồng. Triển khai thực hiện hỗ trợ và tham mưu tỉnh có thêm những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất theo VietGAP, ISO, HACCP; khuyến khích nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát. Các địa phương cũng cần thành lập HTX nuôi trồng thủy sản để giúp các hộ nuôi cá lồng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, tính toán chọn lựa loài cá phù hợp với điều kiện chăm sóc, môi trường sống. Cùng với đó, công tác phòng trừ dịch bệnh cho các đối tượng nuôi cũng cần được triển khai tới các hộ nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.

Anh Khôi