Phát huy bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

07/11/2018 08:30 Số lượt xem: 1115
Được tôi luyện trong quân ngũ, về với cuộc sống đời thường bằng ý chí, nghị lực, ông Vũ Văn Diệp, thôn Nhiêu Đậu, xã Lâm Thao (Lương Tài) vinh dự trở thành một trong 3 tấm gương Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc của tỉnh Bắc Ninh năm 2018. Đã 64 tuổi nhưng tinh thần, sức khỏe của ông vẫn còn vượng, bước đi nhanh nhẹn.

Ông Vũ Văn Diệp, giới thiệu ba ba gai được khách hàng ưa chuộng.
 

Cựu binh mang trong mình 5 mảnh đạn
Về thôn Nhiêu Đậu hỏi thăm đến nhà ông Vũ Văn Diệp ít ai không biết. Một cụ bà khoảng gần 70 tuổi nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi đến tận nhà ông. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi, với toàn bộ khuôn viên vườn, ao, sân thềm 7.000 m2 của gia đình ông Diệp, chúng tôi đều trầm trồ thán phục và bất ngờ khi biết nơi đây trước kia là vùng đất hoang hóa. Bên ấm trà nóng, chuyện gần, chuyện xa ông kể với chúng tôi về một thời gian khó. Năm 1974, chàng trai Vũ Văn Diệp viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Trong quân ngũ ông được học thêm nghề y và làm ở đội phẫu của bệnh xá Sư đoàn 304. Có những ngày chiến đấu ác liệt, ông cùng đồng đội phải chuyển hàng trăm thương, bệnh binh về chăm sóc, chữa trị và đưa họ trở về hậu phương. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông bị thương vẫn còn 5 mảnh đạn găm trong người. Năm 1990, do điều kiện hoàn cảnh gia đình, ông xin ra quân khi đó là Trưởng phòng quân y của Trung đoàn 66, đơn vị 304 với quân hàm Đại úy.
“Kỹ sư chân đất”
Nghĩ lại, năm 1990, ông kể: Về với cuộc sống gia đình có vợ và 2 con cảnh đói, nghèo đeo đẳng, có thời gian tôi phải vay một thúng thóc của hàng xóm, khi trả là 1,5 thúng. Loay hoay với bài toán thoát đói nghèo, qua tìm hiểu thấy giống lúa của bà con quê hương không được năng suất, trong khi đó đổi thóc giống rất vất vả, khó khăn. Từ điều này, ông nghĩ ra cách phải nhân giống lúa có giá trị năng suất để đổi cho nhân dân trong vùng. Ông lặn lội ra Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội trao đổi và nhờ kỹ sư nông nghiệp, cán bộ Viện giống cây trồng Trung ương về quê cùng ăn, ở tại gia đình, tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu để nhân giống phù hợp. Ông mạnh dạn vay mượn mua các ruộng hoang hóa của hợp tác xã để nhân các giống lúa mới như: CR203, C71, C72, DT10, tạo điều kiện thuận lợi về giống cho bà con nông dân (16 kg thóc đổi được 10kg thóc giống). Bằng việc tự mày mò nghiên cứu và nhân giống lúa thành công để đổi cho bà con, kinh tế gia đình ông từ đó khấm khá dần.
Từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, năm 2000, ông đầu tư mua toàn bộ ruộng trũng ở địa phương và vay hơn 1 tỷ đồng của anh, em, bạn bè, đồng đội xây dựng mô hình VAC. Với 7.900 m2 ông quây vùng, xây bờ kè, đào ao, xây dựng hệ thống chuồng trại với tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng. Trong đó có 4.000 m2 ao nuôi cá và ba ba, hơn 3.000 m2 vườn trồng cây ăn quả, gần 400 m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Ông cất công đi đến các tỉnh có mô hình VAC đem lại hiệu quả kinh tế để học hỏi kinh nghiệm, từ nuôi cá đến trồng bí xanh, đỗ tương… Có những đêm ông chong đèn chờ đến giờ sâu, bọ ra hại cây để đưa ra cách diệt trừ phù hợp và hiệu quả nhất. Người dân quanh vùng trân trọng lẫn nể phục gọi ông là “kỹ sư chân đất”. Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt nên chỉ sau vài năm gia đình ông đã thu hồi vốn và bắt đầu có lãi. Tiền thu hoạch từ nuôi thả cá và ba ba mỗi năm trừ chi phí lãi hơn 50 triệu đồng. Tiền thu từ chăn nuôi có năm cao điểm thu lãi gần 200 triệu đồng. Với sự nhạy bén trong làm ăn kinh tế, thu nhập từ mô hình VAC, ông tiếp tục chuyển sang góp vốn đầu tư lĩnh vực sản xuất phân bón vi sinh lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Vào các ngày trong tuần phòng khám đông y gia truyền của ông thu hút bệnh nhân ở khắp các tỉnh về chữa trị.

Bản thân được đào tạo y khoa trong quân ngũ cộng với nghề lương y gia truyền, hiện nay ông tập trung vào việc tổ chức khám, chữa bệnh tại nhà theo đúng quy định của nhà nước. Với sự uy tín trong điều trị các bệnh về xương khớp, phòng khám đông y gia truyền của ông thu hút bệnh nhân ở khắp các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định…
Là người có trách nhiệm, uy tín trong các công việc của địa phương, ông được bầu làm bí thư chi bộ thôn Nhiêu Đậu, Ban chấp hành Hội Khuyến học xã, thành viên Hội Chữ thập đỏ… ở cương vị nào ông cũng tâm huyết, nhiệt tình, tích cực vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ông có nhiều đóng góp về tinh thần, vật chất xây dựng các công trình phúc lợi ở quê hương như: làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa, tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xóm.
Trong ngôi nhà rộng khang trang ông Diệp thường xuyên đón tiếp bệnh nhân và xóm giềng sang chơi, cuối tuần 5 con của ông (3 con đẻ, 1 con nuôi mồ côi từ nhỏ, 1 con nuôi sau này) đã trưởng thành về thăm. Giờ đây thảnh thơi không phải lo lắng chuyện cơm, áo, gạo, tiền, trò chuyện với chúng tôi ông Diệp khẳng định những thành quả đạt được ngày hôm nay chính là từ bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, bằng khối óc, niềm tin, sự học hỏi, sáng tạo, ý chí quyết tâm người lính. Chúc cho ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ làm giàu cho quê hương, đất nước.

Minh Hường