Nông thôn mới ở “vùng Ba xã”

16/01/2020 09:25 Số lượt xem: 1355
Ngọc Xá, Đức Long, Châu Phong (Quế Võ) trước kia được gọi là “vùng Ba xã” - nằm ngoài sông Cầu, sông Đuống, chỉ được bao bọc bởi con đê bối để chống chọi với những cơn lũ trong mùa mưa bão và sẵn sàng trở thành vùng phân lũ nhằm giảm áp lực cho đê đại hà. Vùng đất này hết gồng mình chống chọi mưa bão lại ứng phó với khô hạn, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, đời sống nhân dân khó khăn. Vậy mà, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), vận dụng thành tựu KHCN vào thực tiễn, diện mạo “vùng Ba  xã” đã sáng lên. 

Ngọc Xá bừng sáng 
Là người con quê hương, hơn mươi năm về trước cứ mỗi dịp đi- về tôi không khỏi ngán ngẩm bởi những con đường gồ ghề, sống trâu, ổ voi dài hàng cây số. Ngọc Xá hôm nay nhà cửa khang trang, hiện đại, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, hai bên đường trồng hoa rực rỡ, có điện chiếu sáng ban đêm, hệ thống kênh tưới, tiêu được cứng hóa chạy dài liên thôn, xóm… 
Bước qua cổng chào thôn Hữu Bằng vẫn còn vương mùi sơn mới, Trưởng thôn Nguyễn Bá Lục phấn khởi: Từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông của thôn được đầu tư đồng bộ. Hệ thống tưới tiêu được xây dựng kiên cố, đường điện chiếu sáng dài hơn 2 km. Từ năm 2015 đến nay, năm nào thôn cũng được huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ một phần, còn lại trích từ ngân sách xã và do người dân đóng góp với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, thôn đầu tư xây dựng Trường Mầm non Ngọc Xá, xây mới nhà văn hóa diện tích khoảng 200 m2, đây là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho mọi lứa tuổi…”.

 

Hệ thống nuôi cá lồng trên sông Đuống tại xã Đức Long (Quế Võ).


Không chỉ ở Hữu Bằng, cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng, các tiêu chí: văn hóa xã hội, an ninh chính trị, y tế, môi trường… cũng được chuẩn hóa ở các thôn khác là Kim Sơn, Cựu Tự, Long Khê, Phùng Dị. Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Phà, cho hay: Giao thông nông thôn được nâng cấp hoàn thiện mở cánh cửa cho giao lưu kinh tế giữa trong và ngoài địa phương, tạo sức bật cho phát triển kinh tế. Trong xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng, thương mại dịch vụ năm 2019 đạt 462 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. Không tự bằng lòng, Ngọc Xá luôn coi những kết quả đã đạt mới chỉ là bước đầu và sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM theo hướng nâng cao.

Sắc màu mới Đức Long 
Về xã Đức Long vào một ngày cuối năm, dưới cái nắng hanh hao, những vạt hoa bên đường như tươi sắc hơn bởi được sự chăm sóc cẩn thận của những cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Chủ tịch Hội Phụ nữ Lê Thị Hòa cho biết: “Đến nay, Hội xây dựng được 4 tuyến đường hoa với chiều dài 3 km. Kinh phí do chị em phụ nữ tự nguyện bỏ ra mua và sưu tầm các loại hoa để trồng các đường hoa, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp”. 
Không chỉ trồng hoa tạo cảnh quan, việc phát triển kinh tế được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM. Dừng chân ở bến sông thôn Kiều Lương, những chuyến xe ngược xuôi về thu mua cá, anh Nguyễn Thanh Hoài, người được mệnh danh “thủ lĩnh cá lồng” của địa phương chia sẻ: “Có lẽ thấu hiểu được những khó nhọc, vất vả của người nông dân mà sau bao biến cố của bão, lũ, trời đất lại trở nên hiền hòa hơn”. Khai thác lợi thế của địa phương, nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, anh quyết định vay thêm vốn đầu tư nuôi các giống cá thương phẩm như cá lăng, cá diêu hồng...  quy mô phát triển lên 11 lồng cá, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. 

 

Đường liên thôn Hữu Bằng (Ngọc Xá) được bê tông hóa. 


Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Trưởng thôn Kiều Lương thì người dân nơi đây vốn giỏi giang và táo bạo, lại nhận được sự đầu tư của Nhà nước cho chương trình xây dựng NTM, như thổi một luồng sinh khí mới cho khát vọng làm giàu trên quê hương. Toàn thôn có 15 hộ nuôi cá lồng trên sông, cho thu nhập cao hơn cấy lúa gấp nhiều lần.
 “Trước đây, vùng đất này nghèo khó, vào những năm 1980, khi nước lũ tràn qua làm “vỡ đê, vỡ làng”, nhiều người phải rời bỏ quê hương. Theo năm tháng, cùng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, người dân lại cải tạo đất để sinh cơ lập nghiệp. Nhưng giá trị thực của đất được người dân Đức Long khai thác phát huy hiệu quả, nhất là khi có chủ trương xây dựng NTM. Chính quyền địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân triển khai các mô hình kinh tế mới, gắn sản xuất với thị trường. Kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều) trong xã giảm còn 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 46 triệu đồng/ người/ năm”. Ông Trần Quang Biều, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho hay.

Châu Phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”
Đến xã Châu Phong hôm nay điều dễ nhận thấy là những tuyến đường được bê tông hóa, các thiết chế văn hóa được đồng bộ; trường học, trạm y tế… được đầu tư khang trang, hiện đại. Khó khăn còn nhiều, song trong câu chuyện của bà con nơi đây đời sống vật chất và tinh thần ở vùng đất gian khó một thời ngày một nâng lên càng cho thấy ý nghĩa lớn lao từ Chương trình xây dựng NTM. Vui mừng khi diện mạo quê hương đang trên đà đổi mới, Chị Nguyễn Thị Thu thôn Thất Gian chia sẻ: “Trước kia khi giao thông còn là đường đất nhỏ hẹp, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi đường nội đồng được bê tông hóa, xe máy chạy đến tận bờ, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện”.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Minh khẳng định: Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM, địa phương chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Xã xác định tiêu chí nào “dễ làm trước, khó làm sau”, không để tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích. Cán bộ từ xã đến thôn thực hiện tốt phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân và là đầu tàu gương mẫu bám sát cơ sở, đến từng hộ dân để “cầm tay chỉ việc” cuối năm 2018, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới..
Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch theo lộ trình đối với từng tiêu chí, phù hợp với thực tế ở địa phương. Đảng viên và các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và đi đầu trong các phong trào để nhân dân học tập và noi theo. Năm 2018, riêng thôn Thất Gian có gần 30 hộ hiến đất làm đường, góp phần hoàn thành, mở rộng 2 km đường liên thôn. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng chuyển giao tiến bộ KHKT, khuyến khích người dân tham gia phát triển thương mại, dịch vụ, mở mang ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập… Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 44 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1%. 
Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể không ghi nhận những kết quả nổi bật, được khắc họa sinh động từ thực tiễn đời sống của người dân nông thôn. Diện mạo nông thôn “vùng Ba xã” được đổi mới, các công trình hạ tầng cơ sở được tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Đón xuân Canh Tý với diện mạo NTM, người dân “vùng Ba xã” lại tiếp tục bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Rời “vùng Ba xã” trong làn mưa mỏng, nhà nhà đang hồ hởi sửa sang, sắm sanh đồ lễ đón xuân, con đường trải nhựa thênh thang từ trung tâm huyện lỵ về Ngọc Xá, Đức Long, Châu Phong làm ngỡ ngàng những người con trở về quê hương đón Tết.


Tháng Chạp 2019

Ghi chép của Thùy Dương - Hà Linh