Nông dân Trừng Xá mang cây mới về ruộng cũ

02/04/2020 19:13 Số lượt xem: 2466
Với phần lớn người dân Trừng Xá (huyện Lương Tài), nông nghiệp là kế sinh nhai gắn bó bao đời nuôi sống gia đình. Trên vùng ruộng trũng, họ cần mẫn canh tác cây lúa nhưng nhiều diện tích giờ đây không đem lại giá trị kinh tế như mong muốn. Thay đổi lớn nhất là khi nông dân bắt tay chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những thửa lúa kém hiệu quả để cho khả năng sinh lời cao hơn.

Là một trong những người đi tiên phong cải tạo ruộng trũng, bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Trừng Xá đón nhận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã một cách hào hứng. Cuối năm 2017, bà nhận 1,9 ha diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả có năng suất thấp để trồng một loại cây hàng hóa còn tương đối xa lạ với vùng đất này- cây mít Thái.
Theo bà Thắm, ưu điểm của giống mít Thái là quả to có thể đạt tới 30kg, ít xơ, khi chín múi giòn, ngọt, thơm và thích hợp cho chế biến sấy khô hơn mít ta thông thường. Đánh giá thị trường rộng mở như vậy, bà mạnh dạn vay vốn cất công cải tạo, múc đất chia luống trồng 800 gốc mít. Để tận dụng tối đa diện tích, bà trồng xen các loại cây ăn quả, dược liệu ngắn ngày như táo, bưởi, đu đủ, đinh lăng… Sau quá trình đầu tư, ngay năm đầu, gia đình thu hoạch được 50 triệu và thu nhập ổn định dự kiến đạt 300 triệu đồng/năm.
Bà Thắm chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp hiện nay không còn nhiều sức hút với lao động địa phương, nhất là diện tích đất trũng nên ruộng bị bỏ hoang khá nhiều. Tôi thấy tiếc nên quyết tâm đầu tư và tin tưởng nông dân hoàn toàn có thể làm giàu ngay tại quê hương mình”.

 

Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Trừng Xá trồng 800 gốc mít Thái trên diện tích đất trũng chuyển đổi.

 

 Anh Phạm Minh Thành, thôn Đỉnh Dương nhận thuê lại 2ha đất trũng, đầu tư 6 tỷ đồng  san lấp mặt bằng để trồng cây cảnh bon sai hoa hồng và cây ăn quả có giá trị như vú sữa, bơ, bưởi da xanh… dần cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Lấy ngắn nuôi dài, hiện tại, cơ sở của anh có thể tạo việc làm cho 9 lao động thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 2-10-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lương Tài về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018-2020, xã Trừng Xá tích cực vận động nông dân chuyển đổi 58 ha đất lúa sang trồng hoa, cây cảnh, cây màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như các thôn Đăng Triều 12ha, Nhị Trai 7,2 ha, Vĩnh Trai 4,1 ha… Cùng với khuyến khích tập trung tích tụ ruộng đất, địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức phổ biến, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển sản xuất quy mô lớn. Những mô hình này cũng thuận lợi trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ chung của tỉnh, huyện, giúp hạn chế diện tích đất khó canh tác và tình trạng bỏ ruộng sản xuất, đồng thời tăng năng suất lao động.
Hiệu quả sử dụng đất được nâng lên, bình quân 1 ha chuyển đổi tăng từ 75 triệu đồng (năm 2015) lên 250 triệu đồng (năm 2019), riêng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 280 triệu đồng/ha. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã từ 29,5 triệu đồng (năm 2015) lên 45,74 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,8% xuống còn 0,72%. Ông Tạ Hữu Chi, Chủ tịch UBND xã Trừng Xá phấn khởi: “Quan trọng hơn, những vùng đất chuyển đổi đã làm mới tư duy canh tác của nông dân từ manh mún sang hướng hàng hóa, hiện đại, nâng cao thu nhập cho chính chủ mô hình và nhiều lao động địa phương”.  
Được biết, vừa qua, Đảng bộ xã Trừng Xá tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, là Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở làm trước để rút kinh nghiệm của huyện Lương Tài. Đại hội đặt ra mục tiêu, mức tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 7% đến 8%, trong đó cơ cấu nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, xã Trừng Xá tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, phấn đấu ngay trong năm 2020 chuyển đổi được 25-30 ha. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đầu ra của sản phẩm chuyển đổi như cây ăn quả, dược liệu…dù khá rộng mở nhưng chưa ổn định, vẫn phụ thuộc vào thương lái. Một số khu vực nông dân chuyển đổi tự phát nên việc quy vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng như đường điện, đường giao thông, thủy lợi nội đồng… còn hạn chế.
Thời gian tới, xã Trừng Xá hướng dẫn, khuyến khích nông dân tiếp tục nghiên cứu lựa chọn loại cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường, khai thác được lợi thế đất đai; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao và quy trình, tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Cùng với xây dựng mô hình, địa phương cũng đề xuất triển khai giải pháp hỗ trợ vùng chuyển đổi về đầu tư hạ tầng chung; kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị ổn định, bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp bền vững, đem lại đời sống cao hơn cho người dân nông thôn.

Huyền Thương-Liên Nguyễn