Nông dân Ngăm Mạc hào hứng với rau an toàn

12/02/2018 16:15 Số lượt xem: 218
Với sự ưu ái về thổ nhưỡng, thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, Gia Bình là vùng đất có truyền thống trồng rau màu lâu đời. 90% các hộ dân ở đây sống bằng nghề nông và coi cây rau là phương kế tăng thu nhập tốt nhất.

Trải qua thời gian dài loay hoay thử nghiệm nhiều sản phẩm, cách thức trồng rau, đến năm 2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc quyết định chuyển hướng sản xuất rau an toàn để đem đến sản xuất ổn định và bước đầu được nông dân đồng tình, hưởng ứng.

Thôn Ngăm Mạc hiện có 52 ha đất canh tác chuyên canh cây mầu. Trên diện tích này, nông dân luân canh 4-5 vụ/năm với đủ các loại từ ngô, mía, cải bắp,… cho thu nhập khá cao so với trồng lúa, đạt 10-12 triệu đồng/sào/năm. Những năm gần đây, HTX dịch vụ nông nghiệp thôn đứng ra thử nghiệm bao tiêu một số sản phẩm như ớt xuất khẩu, nghệ dược liệu… nhưng khó duy trì bởi chất lượng nông sản không đồng đều, tư duy sản xuất nhỏ lẻ manh mún vẫn ăn sâu vào tiềm thức của một số hộ dân. Thị trường đầu ra của sản phẩm rau Ngăm Mạc vẫn bấp bênh, giá cả không ổn định. Trước thực trạng đó, vụ đông năm 2017, UBND huyện Gia Bình giao phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông huyện thí điểm xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn có quy mô 10ha với mục tiêu tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp địa phương.

Thực hiện mô hình, ngành Nông nghiệp huyện mở lớp tập huấn cho hàng chục thành viên HTX về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình xuống giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế nông sản cho nông dân. Sau khi tập huấn, đánh giá, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cho 29 hộ đạt yêu cầu đủ kiến thức. Cán bộ nông nghiệp còn trực tiếp về tận thôn giám sát, hướng dẫn cho từng nhóm hộ về sản xuất rau an toàn. Hệ thống đồng ruộng được phân vùng, quy hoạch lại. Mỗi đầu bờ được cắm biển ghi rõ chủng loại sản phẩm, ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày phun thuốc trừ sâu... để tiện theo dõi. Cùng với đó, HTX chỉ đạo từng hộ nông dân ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất hàng ngày để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Đến nay, việc làm này bước đầu đi vào nề nếp. Bà Nguyễn Thị Ràng, thành viên HTX cho biết: “Do có kinh nghiệm trồng rau lâu năm nên việc nắm bắt kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn mới đối với chúng tôi không quá khó. Việc sử dụng các sản phẩm vật tư, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học cũng khiến chúng tôi an tâm hơn so với trước kia”.

Được biết, sau khi thu hoạch, các sản phẩm được sơ chế tại khu nhà sơ chế 200m2 mới xây dựng của HTX, để đóng gói, dán tem nhãn ghi rõ xuất xứ. Hầu hết sản phẩm có doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ký hợp đồng thu mua ổn định với giá cao hơn 10-20% nên nông dân càng thêm tin tưởng và quyết tâm sản xuất theo hướng an toàn. Bà Nguyễn Thị Thuyên, một hộ tham gia mô hình hào hứng: “Nhà tôi có 5 sào trồng rau, trong đó có 2 sào nằm trong vùng quy hoạch rau an toàn. Chúng tôi hết sức phấn khởi vì rau bán được giá nên sẽ tiếp tục trồng diện tích rau còn lại theo hướng an toàn”.

Theo đánh giá của ông Bùi Thế Sẫm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình, việc thực hiện thành công mô hình ở Ngăm Mạc chứng minh sản xuất rau an toàn không quá khó, yếu tố căn bản là thay đổi nhận thức và quy trình canh tác của nông dân. Và chỉ có đi theo phương thức canh tác này, nông dân mới có thể làm giàu an toàn và bền vững. 

 Thời gian tới, HTX dự định mở rộng quy mô sản xuất rau an toàn lên 20 ha, tăng cường quảng bá thương hiệu, liên kết với các đơn vị để cung cấp thêm thực phẩm an toàn cho người dân trong tỉnh. Mục tiêu cao hơn của HTX là xây dựng hệ thống nhà lưới tự động sản xuất rau trái vụ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc cho biết: “Khó khăn hiện nay của HTX là nguồn vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, mua sắm thiết bị bảo quản nông sản còn rất hạn hẹp. Sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012, các thành viên góp vốn vào HTX không đáng kể. Để duy trì hoạt động, Ban quản trị HTX phải đứng ra vay vốn ngân hàng bằng tài sản thế chấp của gia đình”. Vì vậy, nông dân Ngăm Mạc mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp chính quyền, các ngành chức năng để đưa thành công của mô hình từ thí điểm trở thành đại trà rộng rãi.

Nguồn: Huyền Thương