Những tỷ phú sinh vật cảnh ở Yên Phong

08/01/2019 08:31 Số lượt xem: 2156
 Vượt qua những biến động khó khăn của thị trường, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở huyện Yên Phong vẫn được duy trì. Trong đó nhiều nghệ nhân bằng tài năng, ý chí, đều đặn sáng tác các tác phẩm SVC có giá trị nghệ thuật và hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bắc chăm sóc cây cảnh.

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bắc (sinh năm 1967) ở thôn Cầu Giữa, xã Yên Phụ là chủ sở hữu một trong những nhà vườn SVC tiêu biểu của địa phương. Nhà vườn rộng hơn 6,1ha của ông luôn tấp nập những bạn bè cùng sở thích đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cây cảnh. Trước những cây sanh, si, tùng la hán... người tham quan xuýt xoa, cảm nhận sự tài hoa, công sức của người chủ đã kỳ công sưu tầm, chăm sóc, uốn tỉa.
Xoa đôi bàn tay thô ráp bao năm gắn bó với nghề, ông Bắc chậm rãi: “14 năm trước, nơi đây chỉ toàn hồ, vũng. Tôi mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo thành mô hình như hiện nay. Nhà vườn được chia thành 3 khu chính, gồm hệ thống ao nuôi thả cá hơn 1ha; chuồng trại nuôi hơn 1.300 lợn thịt, lợn nái; hơn 2ha vườn trưng bày 1.500 cây cảnh; gần 1.000 cây ăn quả, cây bóng mát. Mô hình được Trung ương Hội SVC trao tặng danh hiệu Nhà vườn SVC tiêu biểu”.
Theo ông Bắc, tìm được cây quý đã tốn nhiều công sức, nhưng để cây sống và tạo được dáng theo ý muốn lại vô cùng kì công. Bởi để tạo thế, dáng cho cây đòi hỏi người chơi phải có sự tinh tế và những kiến thức nhất định. Từ những thế, dáng cơ bản và quan sát các yếu tố về rễ, thân, cành, lá... người chơi phải tư duy để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Trong quá trình uốn sửa, tạo dáng cho cây không những đòi hỏi người chơi có bàn tay khéo léo, có tư duy nghệ thuật mà còn phải có kỹ thuật cắt tỉa, uốn cành...
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nhưng với niềm đam mê, sáng tạo, ông Bắc trở thành một “cây kéo” có “số má”, sở hữu nhiều cây cảnh nghệ thuật, trong đó 500 tác phẩm tầm đại; 800 tác phẩm tầm trung; 200 tác phẩm bonsai... tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Mỗi cây một dáng hình và tuổi đời khác nhau, nhưng ông đều thuộc nằm lòng. “Cây sanh cổ này tôi mua phôi ở Hưng Yên từ 10 năm trước với giá 200 triệu đồng. Cây sộp đỏ kia có nhiều nhánh, thích hợp với đất giàu dinh dưỡng, tôi chăm sóc cũng hơn 10 năm... Nhờ cây cảnh, tôi học được nhiều điều về cuộc sống, nhân sinh và rèn luyện thêm đức tính kiên trì, nhẫn nại”, ông Bắc tâm sự.
Cũng là một trong những nhà vườn SVC tiêu biểu của địa phương, vườn bonsai Yên Mai có tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng của ông Đặng Công Tể ở thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ cũng thường xuyên đón nhiều lượt khách tới thưởng lãm và trao đổi.
Vốn là “dân” xây dựng, mãi đến năm 2011, ông Tể mới “bén duyên” và thành lập vườn bonsai Yên Mai. Ban đầu chỉ là sở thích, lựa chọn vài cây phù hợp để chơi, rồi theo thời gian lại trở thành “nghiệp” lúc nào không hay. Ông tâm niệm, nghề nào cũng vất vả, trồng cây cảnh cũng vậy bởi phải có năng khiếu, kiên trì, tâm huyết. Sau mỗi ngày làm việc vất vả, ông thắp điện ra vườn say sưa cắt tỉa đến quên ăn, quên ngủ. Trung bình một ngày, ông Tể bỏ ra khoảng 4 tiếng chăm sóc vườn cây. Những khi chuẩn bị mang tác phẩm đi triển lãm thì làm thâu đêm suốt sáng.
Trong số những tác phẩm được ông kỳ công chăm sóc, nổi bật là dàn cây cảnh nghệ thuật đã giành giải Đặc biệt tại Hội Xuân Bắc Ninh 2018. Ông cũng tích cực mang tác phẩm đi giao lưu, dự thi tại các tỉnh bạn và nhiều tác phẩm nghệ thuật trong số đó đã giành giải cao tại các hội thi như Mai chiếu thủy (thế huyền) giành giải Vàng tại triển lãm SVC Thái Nguyên; tác phẩm Sanh trực, Si trực, Lộc vừng đại tổ lộc đạt giải Vàng tại triển lãm SVC Nam Định... Phần thưởng cao quý nhất dành cho sự đam mê của ông Tể có lẽ không chỉ gói gọn trong những bộ huy chương cùng những tấm Giấy khen của các cấp Hội Sinh vật cảnh. Đó còn là vinh dự khi khu vườn của ông thực sự trở thành điểm đến, nơi gặp gỡ, giao lưu của những người cùng đam mê, sở thích…
Trò chuyện với những nghệ nhân ngày đêm uốn tỉa, chăm sóc cây cảnh, càng hiểu hơn về những công sức mà họ đã bỏ ra để làm đẹp cho đời. Mong rằng thời gian tới, những nghệ nhân tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, đưa phong trào SVC địa phương ngày càng phát triển, góp phần tạo cảnh quan môi trường, làm giàu cho cho gia đình và quê hương.
 

Anh Khôi