Những “tấm áo mới” của Dân ca Quan họ

28/05/2020 19:11 Số lượt xem: 4668
Gia tài đồ sộ với hơn 200 làn điệu mà người Quan họ đang thừa hưởng hôm nay là kết quả của quá trình sáng tác bền bỉ với sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ nhân, ông trùm bà trùm không ngừng “đặt câu, bẻ giọng”. Như vậy, không phải tự nhiên một sớm một chiều đã sẵn có hàng trăm làn điệu với đủ câu ra, câu đối mà trong lịch sử hình thành và phát triển của Dân ca Quan họ luôn có sự vận động không ngừng với những sáng tạo mới. Tình cảm và tư tưởng của con người mỗi thời mỗi khác. Lời ca và điệu thức của Quan họ biểu hiện tâm tư của con người cũng luôn có sự thay đổi, bổ sung để phù hợp với cuộc sống mới...

Sáng tạo, phát triển di sản


Trước đây người ta hay quan niệm những tác phẩm trong âm nhạc dân gian là không có tác giả vì đó là sản phẩm sáng tạo của một tập thể cộng đồng được truyền khẩu từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Do không có văn bản ghi chép chính xác mà qua lăng kính tiếp nhận, khả năng cảm thụ khúc thức âm nhạc của mỗi người không giống nhau sau đó lại truyền khẩu cho người khác nên các bài hát dân ca thường có nhiều dị bản về phần lời và biến tấu trong giai điệu. Cứ như thế qua thời gian, mỗi làn điệu, mỗi bài dân ca sẽ là kết quả sáng tạo chung của tập thể cộng đồng nhiều thế hệ và vì thế người ta không biết tác giả thực sự là ai.
Tuy vậy, cách nhìn ấy bây giờ cần thay đổi vì dân ca vẫn có thể có tác giả. Minh chứng là nhiều làn điệu Quan họ mà các nghệ nhân, liền anh liền chị trong vùng vẫn truyền dạy cho nhau, cùng ca xướng suốt bao năm qua, có nhiều bài đẹp từ lời ca đến giai điệu đã đi vào lòng công chúng yêu mến Quan họ khắp cả nước mà không ít người nhầm tưởng đó là Quan họ cổ nhưng thực chất là được sáng tác ở khoảng cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 và còn được ghi chép tỉ mỉ về quá trình sáng tác, hoàn cảnh ra đời, tên tác giả rõ ràng.

 

Nhiều bài Dân ca Quan họ mới được diễn xướng trong các chương trình nghệ thuật đương đại.


Thống kê của nhà nghiên cứu Trần Linh Quý, những năm giữa thế kỷ 20, riêng nghệ sĩ Tư La (Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh) và Nguyễn Đức Sôi (Hiên Vân, Tiên Du) đã sáng tác, đóng góp đến vài chục bài cho vốn Dân ca Quan họ truyền thống. Với vốn tri thức dày dặn, uyên thâm, cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đã tìm hiểu rất nhiều vấn đề xung quanh văn hóa Quan họ chứ không phải chỉ học hát dân ca. Chính cụ Sôi là người phát hiện ra nhiều bài Dân ca Quan họ cổ chưa có vế đối nên sau đó đã sáng tác bổ sung hơn 30 giọng đối cho các bài Quan họ cổ. Tương tự, cụ Tư La với sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về nghề chơi Quan họ cũng sáng tác nhiều bài Quan họ hoàn chỉnh cả phần nhạc lẫn phần lời được giới nhạc sĩ chuyên nghiệp ngày nay đánh giá cao, tiêu biểu như: “Lỡ duyên Chức nữ-Ngưu Lang”, “Con chim thước”, “Chè mạn hảo”, “Còn giời còn nước còn non”, “Chia rẽ đôi nơi”, “Gọi đò” theo phong cách của Quan họ Thị Cầu, “Mười nhớ”, “Đàn ca”... Hoặc tác giả bài “Bốn mùa” là cụ Cả Vịnh, bài “Đêm qua nhớ bạn” có tác giả là cụ Sáu Tương ở Y Na...
Thời hiện đại, đất Bắc Ninh tự hào có nhiều người sáng tác, trong đó có một tác giả sáng tác ca khúc Quan họ tài hoa là cố nhạc sĩ Đức Miêng. Ông là một trong số hiếm người nắm bắt được chính xác cái “gen” quý hiếm, lấp lánh của văn hóa Quan họ để từ đó miệt mài, kì công sáng tạo thể nghiệm, nâng cao phát triển Dân ca Quan họ trong đời sống mới. Cố nhạc sĩ Đức Miêng có một gia tài âm nhạc đồ sộ với khoảng gần 100 ca khúc về miền Quan họ được công chúng đương đại yêu mến đón nhận. Tiêu biểu như: Nón ba tầm, Miền lúng liếng, Gửi về Quan họ, Yêu một Bắc Ninh, Trầu cau Quan họ, Lời thương ta ngỏ cùng nhau, Hát cùng mùa xuân... Mỗi bài là một ca khúc hoàn chỉnh cả nhạc và lời mang phong cách, âm hưởng đặc trưng của Dân ca Quan họ với nhiều luyến láy, chứa đựng nhiều hình thái trong điệu thức ngũ cung (âm điệu bốn, năm). Những tác phẩm của ông góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh con người, vùng đất và văn hóa quê hương Quan họ thân thiện, mến khách, ấm áp nghĩa tình đến với bạn bè, công chúng gần xa.


“Đặt câu” nhưng chưa “bẻ giọng”


Khi tỉnh có chủ trương đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy cho học sinh trong trường phổ thông, để đáp ứng nhu cầu truyền dạy, các tác giả đã phát triển, sáng tác lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, thầy cô, trường lớp hoặc phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động trong mọi lĩnh vực của đời sống... Tuy nhiên, các bài hát này chỉ dừng lại ở việc đặt lời mới theo làn điệu cũ, chưa đạt đến trình độ “đặt câu, bẻ giọng” như các thế hệ nghệ sĩ lớp trước.
Mấy tháng vừa qua, trong bối cảnh đất nước và toàn thế giới bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 cam go, căng thẳng cũng có nhiều bài Quan họ đặt lời mới ra đời với ý nghĩa tuyên truyền, cổ động phòng chống dịch. Xuất hiện đầu tiên là ca khúc “Việt Nam một lòng chống dịch Covid-19” do nghệ sĩ Chu Bảo Quế, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân gian UNESCO đặt lời mới theo làn điệu Dân ca Quan họ cổ “Thuyền mở lái chèo”. Ca khúc này được NSND Thúy Hường thể hiện và đăng tải trên trang facebook cá nhân thu hút sự chú ý, ngợi ca của đông đảo công chúng khán giả.

 

Một tiết mục sáng tạo phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

 

Tác giả Lê Mạnh Thắng, Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh có bài “Chung tay đẩy lùi Corona” đặt lời mới theo điệu “Còn duyên”. Đây là một làn điệu cổ nhưng quen thuộc với công chúng, điệu thức dễ nghe, dễ thuộc. Tác giả cho biết: Lần đầu tiên anh viết lời mới cho Dân ca Quan họ như một lời tri ân với các chiến sĩ áo trắng, lực lượng vũ trang và mọi người đang gồng mình chống dịch. NSƯT Thanh Quý, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng theo nền giai điệu “Còn duyên” để đặt lời mới với nội dung về cảm thức mùa xuân muôn hoa rực rỡ đang nảy nở khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam bỗng một con virus nhỏ bé vô hình xuất hiện reo rắc mối nguy hiểm, gây hoang mang khắp hành tinh. Từ đó, nghệ sĩ kêu gọi mọi người chung lòng, góp sức với Đảng và nhân dân cùng đánh tan giặc Covid để mùa xuân lại rộn vang tiếng hát, cho lời ca vang mãi muôn đời... Ngoài ra, còn nhiều bài Quan họ lời mới của các tác giả chuyên và không chuyên khác đã ra đời trong mùa dịch Covid-19 mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận tìm hiểu.
Mặc dù giá trị và chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm không giống nhau, có những bài Quan họ mới được phổ biến, lưu truyền lâu bền trong đời sống và có cả những ca khúc bị lãng quên trong diễn xướng. Qua thời gian, tác phẩm nào thực sự giá trị sẽ khẳng định được vị trí trong đời sống và ngược lại. Như vậy, chứng tỏ Dân ca Quan họ luôn phát triển theo quy luật bổ sung những sáng tạo nghệ thuật mới tiến bộ và đào thải những sản phẩm kém giá trị hoặc đã trở nên lạc hậu. Nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm từng cho rằng, muốn hậu thế tiếp tục được thưởng thức Quan họ với vẻ đẹp thuần khiết, lấp lánh sức sống thời đại thì nhất định phải khuyến khích hoạt động sáng tác bài Quan họ mới. Mới ở đây được hiểu là mới cả phần lời và phần nhạc (làn điệu) để gửi gắm, bày tỏ được tâm tư tình cảm của con người hiện đại...

Thanh Lâm