Những người tham gia tổ chức thành lập lễ hội Lim

14/12/2018 08:35 Số lượt xem: 4690
Lễ hội Lim là lễ hội vùng của những làng xã nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là lễ hội lớn, thể hiện sâu sắc văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Tính chất, đặc điểm của Hội Lim là lễ hội sinh họat văn hóa và ca hát Quan họ. Thời gian tổ chức - diễn ra hội Lim trước đây vào ngày 14,15 tháng 8 âm lịch, sau mới chuyển sang 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Nguồn gốc lễ hội Lim bấy lâu nay đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới, nội dung bài viết này góp phần tìm hiểu sâu sắc thêm về nguồn gốc của lễ hội Lim, đặc biệt là viết về những người tham gia tổ chức thành lập lễ hội này từ thời kỳ đầu tiên.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận với giả thuyết cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu tích xưa để lại là dấu vết của dòng sông Tiêu Tương còn khá đậm nét ở các làng quê vùng Lim. Còn lễ hội này do ai tổ chức thành lập thì ít người nghiên cứu tường tận.
Lễ hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hàng tổng. Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ - bao gồm 6 làng xã: Nội Duệ (gồm Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và Duệ Đông. Linh hồn của hội Lim là hai thôn Lộ Bao và Đình Cả.
Những nhân vật đầu tiên góp công vào việc tổ chức hình thành lễ hội Lim phải kể đến Quận công Đỗ Nguyễn Thụy; Tướng công Nguyễn Đình Diễn và Bồ Đề Ni (tên tục là Mụ Ả).
*Đỗ Nguyễn Thụy
Quận công Đỗ Nguyễn Thụy theo gia phả họ Đỗ làng Đình Cả, Đỗ Nguyễn Thụy là một võ quan có nhiều công trạng với triều đình nhà Lê. Trong 20 năm làm quan trải qua nhiều chức vị quan trọng, được phong tước Quận công và nhiều phúc lộc, khi nghỉ hưu ông về quê lại có nhiều công lao to lớn với dân làng, xây dựng các công trình tín ngưỡng mở mang làng xóm, bỏ tiền xây dựng nhà thờ và khu lăng đá để sau này làm nơi an nghỉ cuối và dòng họ thờ phụng ông ở đó. Khác với lăng Nguyễn Đình Diễn ở trên núi Lim, Quận công Đỗ Nguyễn Thụy xây dựng ở ngay trước làng Đình Cả nên đến nay còn khá nguyên xưa - là công trình nghệ thuật giá trị được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích cấp quốc gia - năm 1993.
Đương thời tướng công đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thuyết “xuân thu nhị kỳ”. Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lễ tục của lễ hội vào mùa Xuân, tháng Giêng.
Theo quy định này, các làng Đình Cả, Lộ Bao và Xuân Ổ đến Đền Cổ Lũng làm lễ nghênh thần về đình làng Đình Cả. Mỗi làng xã đem theo một mâm xôi gà, trầu cau, rượu, hương nến tới để cúng tế, sau đó ca hát cho đến ngày làm lễ tống tiễn thần. Với những năm làng xã không mở hội thì vẫn duy trì việc tế lễ theo thông lệ ở Đền Cổ Lũng, còn việc ca hát để vào dịp đại lễ Trung thu. Những quy định về việc phát triển hội Lim nêu trên do Tướng công  Đỗ Nguyễn Thụy góp phần vào việc thực hiện, xây dựng, duy trì được trong thời gian trên 40 năm.
Theo tư liệu của Bảo tàng Bắc Ninh: Thời kỳ làm quan của ông trải qua nhiều chức vụ như - Phụng sai thị trà đội, phó thủ hiệu, thị hầu nhất ưu, tả tịnh hành đẳng huyền, phó cai quan, phó tri thị nội thư, Tả công thuyên, Thị cận, Thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Đô chỉ huy sứ, Tư Đô chỉ huy sứ, Giao quận công (sau đổi thành Cơ quận công). Ông làm quan trải 20 năm trong phủ chúa, trông nom và huấn hồ cấm binh - đều làm rất chu đáo, không màng danh vọng địa vị, nên càng có uy tín trong triều, và được giao nhiều chức quan trọng yếu từ kiên tri, phó tri, tư lễ giám, đô tổng giám. Đường công danh quan lộ rất hanh thông. Khi về nghỉ hưu ông rất được dân địa phương kính nể. Cuối đời Tướng công đã bỏ ra nhiều tiền của xây dựng sinh từ, công đức ruộng đất cho dân hàng tổng, hàng xã để xây dựng, tu bổ công trình tín ngưỡng cho dân. Cơ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy tạ thế ngày 17 tháng Giêng. Lăng mộ Tướng công được xây dựng ngay phía trước làng Đình Cả, năm 1993 được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, quyết định số 74 - BT/QĐ, ngày 2-2-1993.
*Nguyễn Đình Diễn
Tướng công Nguyễn Đình Diễn - người tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim.
Theo gia phả họ Nguyễn Đình làng Đình Cả: Nguyễn Đình Diễn (còn gọi là cụ Trấn Thanh) là quan trấn thủ Thanh Hóa, chức yến bị an tràng phủ, đốc lĩnh bình nhung tướng quân, chính thủ hiệu, nội trấn đô đốc đồng trị, tước phong cảnh trung hầu, gia phong làm phụ quốc. Tướng công tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim đã cấp tiền của ruộng đất cho hàng tổng (Nội Duệ) để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng Tám hàng năm sang mùa xuân tháng Giêng hàng năm. Tướng công Nguyễn Đình Diễn còn bỏ tiền của ra mua nửa quả đồi Lim (núi Lim - Hồng Vân sơn) để xây dựng lăng mộ của mình trước ở trên đỉnh núi. Đó là công trình kiến trúc nghệ thuật bằng đá đặc sắc tương đồng như lăng của Quận công Đỗ Nguyễn Thụy ở trước làng Đình Cả. Lăng Cảnh Trung hầu Nguyễn Đình Diễn mãi tới thời kỳ chống Mỹ bị tàn phá nặng nề, đến khi tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du tái lập lăng này mới được tái tạo lại như hiện nay ở Đồi Lim nhưng chưa được như xưa. Một quán tẩy bằng đá (giá để chậu rửa tay trước khi vào lăng tế lễ) sau này phát hiện nhưng do không biết là vật gì đã chuyển về Bảo tàng để trưng bày. Đền thờ Tướng công Nguyễn Đình Diễn được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Quyết định số 921 - QĐ/BT, ngày 20-7-1994.
Sách địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm(1) viết.
“Hạo Trung hầu Nguyễn Đình Diễn là người xã Nội Duệ, là chân Thái Giám làm quan đến chức Trấn thủ Thanh Hóa, tước hầu, thực ấp giàu có đến hàng vạn. Lúc về hưu mua ruộng đất tốt hàng mẫu, hoặc tích vào văn từ, hoặc lưu làm ruộng hương hỏa cho bản thân sau này. Lại còn mua một nửa núi Hồng Vân, làm một cái lăng bằng đá ở trên núi. Trong lăng có voi đá, ngựa đá, thú đá và các loại võ sỹ bằng đá. Sau khi ông mất thì an táng ở núi này, 6 xã cùng thờ phụng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) cho biết khá rõ lai lịch công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng Âm trên núi Lim.
*Bồ Đề Ni:
Cũng sách trên còn ghi về Bồ Đề Ni (tên tục là Mụ Ả) là người thứ 3 góp phần vào việc duy trì tổ chức Hội Lim “Mụ Ả họ Nguyễn - người xã Nội Duệ Nam. Lúc trẻ không lấy chồng, trụ giới ở chùa núi Hồng Vân (tức núi Lim). Lộc chùa dồi dào mới mua một nửa quả núi Hồng Vân. Khi tuổi hơn 80 mua ruộng, cấp tiền cho người 6 xã trong tổng thể lo hương hỏa sau này cho bản thân. Rồi lập đàn thiêu hóa. Người sau đắp tượng dựng tháp ở ngôi chùa đó mà thờ phụng. Cho nên hàng năm 6 xã ấy đến tế lăng của ông Hầu (tức Nguyễn Đình Diễn - nêu trên) trước rồi hiến cúng ở chùa, cho nên mới có hội ấy”(2) (tức hội núi Hồng Vân - Hội Lim).
Thông qua nội dung trên, chúng ta thấy rõ hơn - lễ hội Lim xưa (thời kỳ đầu tiên) do ba nhân vật chính đều là người tổng Nội Duệ đã tham gia tổ chức, thành lập. Đó là Quận công Đỗ Nguyễn Thụy, Cảnh Trung Hầu Nguyễn Đình Diễn, và Bồ Đề Ni (mụ Ả). Thời kỳ đầu lễ hội được tổ chức vào mùa thu tháng 8, sau chuyển sang mùa xuân - tháng Giêng âm lịch hàng năm cho không khí lễ hội mát mẻ hơn.
Ngày nay, để cho lễ hội Lim được lan tỏa rộng hơn và mọi người tới tham dự hiểu sâu sắc hơn về nguồn gốc của lễ hội và những người tiền bối đã tham gia vào việc tổ chức thành lập lễ hội này, thiết nghĩ Ban tổ chức lễ hội nên tuyên truyền sâu rộng về tiểu sử và sự nghiệp của những người tiền bối đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức hình thành lễ hội Lim. Ngoài các hình thức tuyên truyền phổ biến khác, có lẽ việc khắc dựng những bia đá, nội dung về thân thế sự nghiệp của những người có công đầu tiên tham gia tổ chức - thành lập lễ hội Lim, về nguồn gốc hình thành lễ hội mang ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc này, là hết sức cần thiết quan tâm, thực hiện.
 
 
(1): Sách của Viện Khoa học xã hội Việt Nam - viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch và ấn hành năm 2009, trang 267.
(2): Có tài liệu ghi rằng: “...bà Mụ Ả - người Nội Duệ Nam, trụ ở chùa Hồng Ân (tức chùa Lim) cũng bỏ tiền mua nốt phần còn lại của núi Hồng Vân làm hương hỏa mở mang chùa Lim và quy định ba năm một lần hàng tổng mở hội tại núi Lim.
Lê Hồng Ngân, Bảo tàng Bắc Ninh