Những mùa vụ bội thu

25/11/2022 20:23 Số lượt xem: 1844
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ huyện Gia Bình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2020 - 2025, nông nghiệp của Gia Bình đã có những bước phát triển mới. Các trang trại, mô hình nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều mang đến cho người nông dân những niềm vui, hạnh phúc vì những mùa vụ bội thu.

Chăm sóc cây dưa tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tháng 5-2020, BCH Đảng bộ huyện Gia Bình đã ban hành Nghị quyết số 08 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu Nghị quyết đưa ra là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản nhằm xây dựng những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tiêu biểu để xây dựng thương hiệu và quảng bá ra các địa phương lân cận. Khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân tích tụ ruộng đất, đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn. Nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác, phấn đấu đến năm 2025 giá trị trên 1 ha đất canh tác đạt trên 180 triệu đồng/năm. Nhiều nhiệm vụ và giải pháp cũng được nêu bật trong Nghị quyết.
Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện Gia Bình đã tạo bước đột phá, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt. Bởi thế, ngay sau khi có Nghị quyết, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều Đề án, văn bản, kế hoạch, hướng dẫn triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Công tác tuyên truyền, tập huấn các nội dung liên quan được đẩy mạnh, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã mở 35 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và phổ biến các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện đến cho 2.500 cán bộ, nông dân. Huyện tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn hướng dẫn người nông dân trong chuyển đổi bảo đảm đúng theo quy định, theo phương châm: Không chuyển dịch ồ ạt, chạy theo thành tích, phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Các địa phương cũng rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Tích cực, chủ động triển khai nên chỉ trong hơn 2 năm, toàn huyện đã chuyển đổi được 183,15ha (bằng 82,9% kế hoạch đăng ký và bằng 33,92% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025) diện tích đất trồng lúa, trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là  87,2 ha, diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 58,32 ha, diện tích chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 19,58 ha. Theo đồng chí Lương Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình thì: Qua 2 năm triển khai Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đến nay nông nghiệp Gia Bình đã có những đổi thay, góp phần tích cực vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Gia Bình trở thành “khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng phía nam sông Đuống”. Trên địa bàn huyện hình thành nhiều vùng trồng trọt tập trung với quy mô hằng trăm ha ở địa bàn các xã như: Bình Dương, Cao Đức, Thái Bảo, Lãng Ngâm, Đại Lai, Xuân Lai... Các vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, điển hình như vùng sản xuất tại xã Bình Dương, 20 ha sản xuất rau an toàn tại HTX Ngăm Mạc xã Lãng Ngâm, sản xuất giống lúa Nhật rộng 10 ha tại xã Đông Cứu. Toàn huyện cũng đã xây dựng được hơn 45 nghìn m2 nhà màng sản xuất nông nghiệp sạch…
Thực tế sản xuất cho thấy, các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác lúa. Việc chuyển đổi còn từng bước khắc phục được tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, tình trạng sản xuất manh mún đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trên nhiều cánh đồng ở Gia Bình hiện nay xuất hiện những mô hình HTX, những trang trại công nghệ cao, mang lại cuộc sống ấm no, phát triển cho người nông dân. Mới đây, chúng tôi đến thăm HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc ở thôn Huề Đông (xã Đại Lai). Trong 10 nhà màng rộng 10 nghìn m2 mà hợp tác xã này xây dựng gần 1 năm nay, những luống dưa thẳng tắp đang vào kỳ thu hoạch. Anh Nguyễn Xuân Khiêm, thành viên HTX cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, HTX đã thuê 2 ha đất nông nghiệp để xây dựng các nhà màng trồng dưa. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, song được các cấp, ngành hỗ trợ, chuyển giao KHKT cùng với sự quyết tâm của mỗi thành viên nên đến nay đã cho thu hoạch ổn định. Hiện nay, HTX đang tiếp tục triển khai 2 nhà nữa. Phát triển theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao nên cây phát triển khá ổn định, cho thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa. Tuy vất vả nhưng bù lại có hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của những người làm nông nghiệp ngày càng được nâng cao”.
Với những hướng đi đúng đắn, nông nghiệp Gia Bình sẽ có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, để thu được nhiều thành công hơn nữa, các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết về nội dung này, tạo sự đồng thuận và huy động ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia vào việc chuyển đổi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi đúng qui định, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện và các xã, thị trấn cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho người nông dân; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp nông nghiệp Gia Bình phát triển bền vững.

Lê Đại