Những “mảnh ghép” Quả Cảm

25/02/2020 09:29 Số lượt xem: 2028
Một màu xanh ngút mắt bao bọc 13 ha quanh “ốc đảo” làng phong Quả Cảm. Nơi đây, gần 80 bệnh nhân phong, đều đã cao tuổi sống trong gần 30 dãy nhà tập thể. Người sống đơn thân, người có đôi, có cặp nhưng tất cả đều đã gắn bó cả cuộc đời mình trong ngôi làng thu nhỏ ấy, quây quần bên nhau qua bao mùa xuân - hạ - thu - đông luân chuyển. Dù phần lớn bệnh nhân đều đã ở đoạn cuối trên con đường của “cõi tạm”, hằng ngày họ vẫn cố gắng tìm cho mình những niềm vui sống nho nhỏ, giản dị.

Mỗi cuộc đời một số phận
Một ngày nắng đầu đông, chúng tôi ghé thăm “ngôi làng” nhỏ phía sau Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Khác xa những ồn ào xô bồ phía ngoài kia, nơi đây cảnh sắc bình yên, trầm lặng. Nhìn từ dưới con dốc, những dãy nhà cấp 4 tập thể lợp mái tôn hai bên đường dễ gợi nhớ ký ức về cuộc sống của nhiều thập kỷ trước. Ông N.X.P, năm nay 86 tuổi, quê ở Phù Chẩn (Từ Sơn) cùng người bạn đời - bà T. quê ở Đại Bái (Gia Bình) và con gái sống trong 2 gian phòng nhỏ ở khu tập thể phía sau khu điều trị dành cho bệnh nhân phong. Ông P. phát bệnh năm 17 tuổi và qua nhiều năm điều trị tại Quỳnh Lập (Nghệ An) được xuất viện. Tại đó, ông gặp bà T. - người bạn đời đến nay đã gắn bó với ông bốn mươi mấy mùa xuân. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông P. không còn nhớ rõ các dấu mốc của cuộc đời mình, cũng chẳng nhớ nổi hai ông bà về ở với nhau năm nào, chỉ nhớ trước khi có với nhau người con gái sinh năm 1977… thì bà T. đã bị sảy và sinh non mất 2 người con. Sinh ra và lớn lên cùng những bệnh nhân phong, bằng sự đồng cảm và sẻ chia, người con gái của ông bà - chị N. đang làm hộ lý và nguyện dành cả cuộc đời để phục vụ các bệnh nhân nơi đây. Khi được hỏi về mong ước hiện nay, ông P. bảo “Ngày tôi đến đây mấy chục năm trước, nhà cửa lụp xụp, qua bao lần sang sửa, giờ khang trang hơn, mùa hè nóng cũng đã có điều hòa, tuổi già ăn uống chả bao nhiêu. Đời sống của người bệnh chúng tôi bây giờ được Nhà nước quan tâm, cộng đồng thông cảm, chia sẻ đã động viên. Tôi mong, sự cảm thông, chia sẻ ấy sẽ tiếp tục được nhân lên, để những bệnh nhân phong hết bị kỳ thị, hòa nhập hơn với cuộc sống”.

 

Không gian yên bình ngợp màu xanh ở làng phong Quả Cảm


Bà N.T.D quê ở Phú Lâm (Tiên Du), năm nay 78 tuổi cũng đã ở đây 56 năm, bầu bạn với ông L.V.Q người Hà Nội và có 2 con trai, gái đều học Đại học, hiện có việc làm ổn định. “Toàn bệnh tật, đồng cảm với nhau thì về chung một nhà chứ chẳng có cưới hỏi gì cả. Mà ai cũng thế, chả riêng gì nhà tôi. Cứ hợp với mình thì lấy chứ yêu đương lãng mạn gì đâu. Ông nhà tôi thì lắm lời, nhưng tôi lại nhịn được nên nhà cửa êm ấm” - bà D. trải lòng. 
Còn bà Đ.T.L quê Yên Dũng (Bắc Giang) 72 tuổi đến nay cũng đã đón 40 cái Tết tại đây. Năm 18 tuổi, tự dưng thấy xuất hiện nốt rát ở cổ tay phải, sau đó tê dần, mất cảm giác. Đến đây, bà làm bạn với một ông ở Hiệp Hòa (Bắc Giang, hiện đã mất) sinh được một người con gái, nay gần 40 tuổi, hiện làm tại khu công nghiệp, đã lấy chồng và có 2 con. “Ngày đó, người dân kỳ thị ghê gớm lắm, bố mẹ, anh em có thương cũng vẫn phải gửi lên đây điều trị. Lúc con nhỏ kể cũng không hết được những vất vả khi chăm chút. Bàn tay phải cụt nên cánh tay còn lại buộc phải thành tay chính để chăm sóc con. Tay đã yếu lại càng kém hơn vì đã có bệnh vẫn phải làm thêm từ việc chẻ nan tre, nan giang, đan quạt để có thêm chút thu nhập nuôi con. Đến khi các con khoảng lớp 2,3 thì cô Xuân (y tá Nguyễn Thị Xuân - nhân vật sẽ nói đến ở phần sau trong bài viết này) về đây, thương quá nên tháng nào cũng đi xin được ít nhiều cho các cháu, đỡ đần cho chúng tôi và tiếp thêm động lực để các cháu nỗ lực học tập, trưởng thành” - bà L. nhớ lại. Chồng mất đã mấy chục năm, khi con mới hơn 7 tuổi, mẹ con bà L. tiếp tục kiên cường vượt qua những tháng ngày khó khăn gấp bội phần. 
Những cuộc đời gắn bó với nhau không xuất phát từ tình yêu mà từ sự đồng cảm, cần sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ. Cuộc sống của những bệnh nhân phong cứ như thế âm thầm trôi đi ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, năm nối năm… Trong số gần 80 bệnh nhân phong hiện sống trong “ốc đảo” vẫn thường được gọi là làng phong Quả Cảm ấy, có khoảng trên dưới 15 cặp vợ chồng, trong đó hầu hết là những người cùng cảnh tìm đến với nhau. Không có câu chuyện lãng mạn nào, cũng chẳng có ký ức ngọt ngào gì đặc biệt về những tháng ngày xưa cũ ấy, nhưng giờ đây đọng lại trong họ là ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhắc đến những người con được sinh ra, nuôi dưỡng trong môi trường từng bị nhiều người xa lánh đã kiên cường, nỗ lực phấn đấu hòa nhập và vươn lên sống có ích. Mỗi người trong số họ là một mảnh ghép rất đời trong bức tranh vốn nhuốm màu u ám được điểm xuyết những tia sáng hân hoan, gợi mở tương lai tươi tắn hơn. 

Huyền thoại một “mảnh ghép”
Khác nhau về số phận cuộc đời nhưng trong câu chuyện của những bệnh nhân nơi đây luôn xuất hiện một nhân vật trung tâm, đó là nữ y tá Nguyễn Thị Xuân - người đã có ba mươi mấy năm tự nguyện gắn bó với cuộc sống nơi đây. Với bệnh nhân phong, y tá Xuân như một “huyền thoại sống”, có người tôn vinh bà là “Anh hùng”, trong khi không ít người đời nói bà là “người điên”.
Nhớ lại lựa chọn gắn bó với làng phong, bà Xuân kể: “Khi đang là giáo viên mầm non ở quê nhà xã Đại Xuân (Quế Võ), mình đến nhà thờ Bắc Ninh và được nghe nói tới những người bệnh phong mà ngày đó người ta vẫn gọi là “người hủi”. Bản thân mình lúc đó mới chỉ nghe chứ chưa từng gặp và cũng không hình dung ra họ như thế nào. Tình cờ đọc được cuốn “Lạc quan trên miền thượng” viết về một linh mục Công giáo người Pháp, sau khi đến Việt Nam đã lập ra một trại phong ở Lâm Đồng thì mình nghĩ: Tại sao người ta là người Pháp mà sang Việt Nam giúp người phong, còn mình lại không làm được? Vậy là mình đi tìm và hỏi thăm tới trại phong Quả Cảm này”. 
Năm ấy, bà Xuân tròn 30 tuổi và trước đó vừa được trao danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Quyết định bỏ nghề giáo viên của bà Xuân khi đó đương nhiên bị người nhà, bạn bè phản đối kịch liệt, một số người còn dùng những từ ngữ nặng nề, họ cho rằng chỉ có “bị điên” mới làm như vậy. Bà Xuân cười “Bị mắng nhiều, nói nhiều, mình nghĩ chắc mình cũng điên thật. Nhưng điên vì thương, mà thương nên điên cũng được”. Từ bỏ cuộc sống bình thường để đến một nơi xa lạ, nhiều người xa lánh, từ bỏ công việc sạch sẽ để đến nơi làm những việc ít ai dám làm, thì có gì phi lý khi người ta nói là “bà Xuân điên”. Những ngày đầu tiên xuất hiện tại trại phong này, chính những bệnh nhân cũng hoài nghi về lòng tốt đến khó tin của bà Xuân. Bệnh nhân D. bảo “Người bệnh chúng tôi bị cộng đồng kỳ thị, phải rời bỏ quê nhà nương tựa vào nhau nơi đây, mà bỗng nhiên một người khỏe mạnh, lành lặn tình nguyện, vui vẻ đến giúp thì kỳ lạ quá đi chứ. Vì thế, chúng tôi vẫn nói cô Xuân liều, mà liều cả đời luôn”.
“Lúc đó, mình đã nghĩ đi dạy học mẫu giáo cũng ngày 2 bữa, lên đây giúp các cụ cũng ngày 2 bữa. Cuộc đời chẳng có gì khác nhau nhưng lại có thể giúp đỡ những con người cô độc và khốn khổ. Nhưng họ phải đối diện với sự khốn khổ và cô độc đó như thế nào thì khi ở đây, mình mới thực sự thấu hiểu. Mang trong mình căn bệnh đó, ngoài đau đớn về thể xác, nhiều người còn khổ tâm đến lúc chết. Có người mong trước khi nhắm mắt được về nhà thắp hương cho bố mẹ mà người nhà hắt hủi, có người phút lâm chung được trở lại quê nhà nhưng khi mất đi người nhà vẫn không vượt qua được định kiến “đất lề quê thói” đã phải mang thi thể trở lại nơi đây để chôn cất trên núi… ”. 
Hôm tôi liên lạc để nhờ kết nối, gặp gỡ những bệnh nhân phong cho bài viết, bà Xuân bảo đang đi làm giấy tờ, thủ tục cho các cụ bệnh nhân. Vừa vì quen người, quen việc, vừa xuất phát từ tình cảm gắn bó bao năm, bà Xuân luôn xung phong trong những lúc như thế.  
Khi được hỏi có khi nào cảm thấy khó chịu hay hối hận về quyết định đó của mình, bà Xuân đáp: “Mình bình thường mà còn có lúc buồn bực, stress thì huống chi bệnh nhân muốn đi không có chân, muốn làm không có tay, muốn nghe thì tai điếc… nên mình tự nhủ phải rất thông cảm với các bệnh nhân. Tôi vui vì được thay đôi chân, đôi tay, đôi mắt của các bệnh nhân, vì vậy tôi không thấy vất vả hay quá sức khi chăm sóc, cõng, bế họ. Nếu hối hận về quyết định của hơn 30 năm về trước đó thì sau khi nghỉ hưu cách đây mấy năm, mình chẳng ở lại đây làm gì. Nhưng với mình, nơi đây đã là nhà, còn bệnh nhân phong là người thân rồi, quan trọng là mình luôn thấy vui vì sống cuộc đời ý nghĩa. Nếu chỉ một phút giây cảm thấy gò bó, ép buộc thì mình đã không thể gắn bó lâu như vậy”. 
Với cuộc đời ý nghĩa, truyền cảm hứng, lan tỏa trong cộng đồng, giữa tháng 11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Xuân đã vượt qua nhiều ứng viên để được trao tặng giải thưởng KOVA ở hạng mục “Sống đẹp”. Đây không phải giải thưởng lớn nhất bà Xuân từng nhận được, trước đó, người phụ nữ quả cảm này đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tôn vinh với nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh… Lẽ dĩ nhiên, cuộc đời sống ý nghĩa đến từng phút giây của người phụ nữ ấy chắc chắn sẽ mãi được kể lại như một huyền thoại… 
 

Ghi chép của Việt Hoa